Nhà trọ tiện ích là sự kết hợp giữa nhà riêng và ký túc xá. Tùy từng mức độ cao cấp mà mỗi phòng có số lượng người ở từ 4 đến 12 người. Ở đây được trang bị sẵn nội thất tiện nghi và các thiết bị hiện đại như máy lạnh, máy giặt, tủ lạnh và có cả vật dụng nhà bếp… Các dịch vụ như internet tốc độ cao, camera an ninh, người dọn dẹp vệ sinh hàng tuần cũng được cung cấp đầy đủ.
Chị Thu Hương (chủ nhà trọ tiện ích trên đường D2, quận Bình Thạnh) cho biết: “Nhà trọ có 4 phòng cho khoảng 30 người ở, nhưng hiện chỉ lác đác 7 - 8 người đến thuê. Chúng tôi vẫn phải duy trì việc thuê người dọn dẹp phòng, đóng thuế và các chi phí phụ khác. Ế ẩm cả năm dù đã làm đủ mọi cách như giảm giá, dán quảng cáo, rao vặt trên mạng xã hội, nhưng cũng không ăn thua”.
Chị cho biết, bây giờ đóng cửa cũng không xong vì đồ dùng, giường chiếu bỏ không, không sử dụng là hư hỏng ngay.
Anh Tuấn (chủ nhà trọ tiện ích ở quận Phú Nhuận) chia sẻ: “Bao nhiêu tiền bạc gom góp được dành hết cho việc xây nhà trọ này, ấy vậy mà giờ tiền cho thuê phòng chỉ đủ đóng các chi phí. Dù thế, chúng tôi vẫn phải cố duy trì, mong là vớt vát được đồng nào hay đồng ấy, chứ cũng không đủ điều kiện để chuyển đổi kinh doanh dạng khác”.
Lý giải cho nguyên nhân ế ẩm, anh Tuấn cho rằng: “Mô hình dạng này chủ yếu là dành cho sinh viên, thế nhưng hiện nay các trường đại học cũng mở rộng ký túc xá, cộng thêm tâm lý ngại sống chung với người lạ, nên việc vắng khách cũng là điều dễ hiểu”.
Vắng khách nhưng vẫn tốn chi phí duy trì nên nhiều gia đình bị ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. Chuyển hướng kinh doanh hay đóng cửa thời điểm này đều không dễ dàng. Đây thực sự là một bài toán khó mà các chủ nhà trọ tiện ích đang rơi vào cảnh ế ẩm vẫn chưa tìm ra lời giải đáp.