
Ra mắt và giao lưu với khán giả vào cuối tuần qua, Duyên trần thoát tục sẽ chính thức công chiếu trên cả nước ngày 21-2 (rằm tháng giêng Âm lịch) và là bộ phim được chọn chiếu chào mừng Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc 2008 sắp tới tại Hà Nội.

Nguyễn Phi Hùng (Thường Chiếu) và Việt Trinh (công chúa Thuận Thiên) trong phim “Duyên trần thoát tục”.
Câu chuyện bắt đầu từ chuyến hành hương sang xứ Phật của cô gái Việt Nam tên Lệ Quyên. Được một nhà sư Ấn Độ trao quyển kinh có kể về tiền kiếp của cô vốn là một công chúa Việt Nam từng nặng nợ với tình yêu… và một câu chuyện của thời quá khứ trải qua nhiều thế kỷ.
Đó là mối tình không trọn vẹn trong kiếp trước của công chúa Thuận Thiên với Thường Chiếu, chàng trai là đệ tử sư Huyền Không ở chùa Bạch Vân. Chính Thường Chiếu đã cứu Thuận Thiên khi bị bọn tay chân của tên gian thần Phi Hổ định bắt cóc nàng trên đường đến chùa. Không được Thuận Thiên để mắt đến và biết công chúa đem lòng yêu một chàng trai nghèo ở vùng sơn dã, Phi Hổ đã tìm cách vu họa cho Thường Chiếu.
Từ chùa Bạch Vân, một lần nữa, qua sư Huyền Không, Thuận Thiên biết được kiếp trước của mình là quận chúa Diễm Kiều và là người đã gây ra cái chết cho chàng thư sinh (kiếp trước của Thường Chiếu) đã từng yêu nàng chân tình. Đau khổ vì tình cảm đang dành cho Thường Chiếu của hiện tại và ân hận về lỗi lầm của quận chúa Diễm Kiều đã gây ra trong quá khứ, Thuận Thiên quyết tâm trèo lên núi Thiên Thai đi tìm người thương. Tấm lòng của Thuận Thiên đã được hồi đáp, nhưng cũng từ đấy, duyên trần đã thoát tục…
Với Duyên trần thoát tục, những nhà làm phim đã cố gắng thực hiện tác phẩm điện ảnh vừa mang tính đương đại qua cuộc hành hương của Lệ Quyên ở Nepal (hơi pha chút sắc màu du lịch) vừa mang tính tổng hợp với những yếu tố thần kỳ, huyền ảo: xây dựng chuyện tình xuyên thế kỷ giữa Thuận Thiên và Thường Chiếu; cuộc đấu phép giữa hai nhân vật Phi Hổ và Bất Dị. Pháp sư Phi Hổ với mưu đồ soán ngôi Võ Vương - một vị vua tàn ác, thích ăn chơi trác táng hơn chăm lo cho dân cho nước - nên nhiều lần hắn xúi giục nhà vua đi vào con đường tội ác, vô nhân. Trái lại, đại sư Bất Dị với tấm lòng yêu thương, cứu nhân độ thế đã bao lần giúp cho Thuận Thiên và Thường Chiếu vượt qua bao tai nạn, bạo ngược.
Chọn không gian thiên nhiên núi non, rừng thông và một số cảnh cung đình, pháp trường mang dấu tích tường gạch cổ, các nhà làm phim đã cố gắng phục dựng lại màu sắc xã hội xưa, tương đối thuyết phục khán giả. Nhưng, có lẽ cũng từ tính chất tổng hợp, pha trộn các yếu tố lịch sử Việt Nam (truyện được mô tả xảy ra vào cuối triều Lê, đầu triều Lý), yếu tố thần kỳ trong văn chương cổ điển Việt Nam (những truyện trong Lĩnh Nam chích quái), yếu tố Phật thoại v.v… cho nên nhân vật trong phim Duyên trần thoát tục được xử lý quá “thoáng” về tính cách, về trang phục, về hành tung (xem lại nhiều cảnh trong phim khó ai xác định công chúa Thuận Thiên và các nhân vật Hoàng Thái Hậu, cung nữ ăn vận trang phục thuộc triều đại nào?!). Ở Duyên trần thoát tục, lối kể chuyện phim luôn “từ tốn”, hơn là gây gay cấn nên nhịp điệu phim luôn chậm, dàn trải không gây cao trào mạnh mẽ trong phim. Có lẽ, nhờ vậy, tính chất triết lý luân hồi và luật nhân quả của nhà Phật trong phim đã tạo được sự chiêm nghiệm cho khán giả nhiều hơn qua một số nhân vật và tình tiết.
Với cách làm phim cổ trang tổng hợp hơn là thuần túy đi vào dạng phim lịch sử cổ trang, có thể đây là một cách để các nhà làm phim mở ra hướng đi mới, “dễ ghi bàn thắng” hơn đối với yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt của tính chân thực của nghệ thuật điện ảnh?
Bộ phim do NSƯT Lê Cung Bắc làm đạo diễn; kịch bản của Phạm Thùy Nhân; diễn viên: Việt Trinh, Nguyễn Phi Hùng, Khoa Nam, Lê Bình, Diễm My, Cát Phượng, Việt Hương, Thanh Ngân…; SENAFILM sản xuất năm 2007.
Yên Ngọc