Dường như đã có một thế hệ nhà khoa học mới, vừa miệt mài nghiên cứu, có tinh thần tận hiến, vừa không quên sống những tháng ngày rực rỡ của tuổi trẻ.
Muốn làm người tiên phong…
Đúng là bác sĩ Hằng bận thật. Để có một cuộc gặp, cô trợ lý phải chật vật mãi mới tìm được khoảng trống trong lịch công việc đã kín mít đến hết tháng 2. Thế mà ngay trước giờ hẹn, bác sĩ Hằng lại xin lùi thêm 1 giờ vì có bệnh nhân chưa “giải quyết xong”.
PGS-TS-BS Đào Việt Hằng |
Bác sĩ Hằng kể, ca bệnh thành công thì nhiều lắm, nhưng ám ảnh đối với cô là những ca khó. Trong điều kiện đất nước chưa có những kỹ thuật thăm dò phù hợp để chẩn đoán đến cùng, một số trường hợp cô đành chấp nhận theo dõi, chỉ điều trị triệu chứng. Ánh mắt lo âu, thậm chí tuyệt vọng của bệnh nhân và cảm giác bất lực của bản thân lúc đó khiến trong đầu cô cứ luẩn quẩn câu hỏi: Tại sao, liệu còn gì nữa, có bỏ sót gì không? Đó cũng chính là động lực thúc đẩy cô đi sâu vào nghiên cứu những kỹ thuật mới, giúp các bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn, không bỏ sót bất kỳ tổn thương nào trong quá trình thăm khám, đồng nghĩa với việc tăng cơ hội sống khỏe mạnh cho người bệnh.
Một trong những công trình mà bác sĩ Hằng đang thực hiện là phát triển các kỹ thuật thăm dò rối loạn chức năng tiêu hóa. Trước đây, việc thăm dò bằng nội soi có thể giúp bác sĩ thấy rõ tổn thương u, polyp, viêm loét. Tuy nhiên, có một nhóm bệnh lý không có hình ảnh gì trên nội soi, trong khi bệnh nhân có triệu chứng do bị rối loạn chức năng co bóp, chuyển hóa, bài tiết. Đề tài của bác sĩ Hằng là mảng bệnh hoàn toàn mới, một đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, dự kiến tháng 3 sẽ nghiệm thu.
Nhóm công việc tiếp theo mà bác sĩ Hằng đang theo đuổi là ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi - một giải pháp rất mới không chỉ ở Việt Nam. Trong đó, đề tài thuật toán AI trong chẩn đoán polyp đại tràng dự kiến tháng 4 sẽ kết thúc. Hiện, kết quả nghiên cứu trên các tệp hình ảnh tĩnh đã đạt độ chính xác 95%-99% và tháng 3 sẽ thử nghiệm trên bệnh nhân, quý 2 sẽ có dữ liệu ứng dụng thực tế. Đề tài thứ 2 là thuật toán AI trong phát hiện các tổn thương đối với ung thư thực quản, dạ dày, viêm thực quản, dạ dày không HP, viêm tá tràng. Hiện nay, đề tài đã hoàn thành bước xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, bắt đầu xây dựng các thuật toán và dự kiến năm 2024 sẽ kết thúc. Ứng dụng này được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả đột phá trong nội soi, giảm tỷ lệ bỏ sót tổn thương, tử vong ở nhóm ung thư đường tiêu hóa.
Bác sĩ Hằng chia sẻ, cô chọn lĩnh vực tiêu hóa vì đây là loại bệnh lý có tỷ trọng lớn, chiếm 30% lượng bệnh nhân đến khám tại các cơ sở y tế. Trong bối cảnh các kỹ thuật hỗ trợ chẩn đoán còn thiếu và đắt đỏ, cô mong muốn là một trong những người tiên phong lấp đầy những lỗ hổng này. Trong 2-3 năm tới, cô sẽ tập trung nghiên cứu hệ vi sinh đường tiêu hóa. Đây là một thử thách mới, bởi chế độ ăn uống của người Việt đang có sự “Tây phương hóa”, hệ vi sinh đường ruột có sự thay đổi, cần tìm ra những thay đổi đó để bổ sung kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay, các dữ liệu này hầu như chưa có. Nhưng theo bác sĩ Hằng, đối với một nhà khoa học, cái gì càng khó thì càng hấp dẫn, như những con đường còn ít dấu chân người luôn có sức hút diệu kỳ.
Nói về nghề y, bác sĩ Hằng cho biết, cô từng có ý định học ngành Xã hội nhưng cuối cùng lại bước chân vào ngành Y khoa theo truyền thống gia đình. Từ đó, mỗi mục tiêu mới đều được cô coi như một thử thách với bản thân, đó cũng là “duyên nợ” kể từ khi cô khoác lên mình tấm áo blouse trắng.
… và cầu nối ra thế giới
Không chỉ miệt mài nghiên cứu, bác sĩ Hằng còn mong muốn nhiều hơn nữa, đó là làm thế nào để các kết quả nghiên cứu y khoa của Việt Nam được thế giới biết đến và ngược lại. Theo bác sĩ Hằng, dữ liệu y tế Việt Nam về lĩnh vực tiêu hóa được thế giới rất quan tâm. Khi cô và cộng sự công bố các công trình liên quan đến rối loạn chức năng co bóp thực quản tại Việt Nam thì nhiều đồng nghiệp trên thế giới rất hứng thú. Đặc biệt, khi nhóm bác sĩ của cô báo cáo về ứng dụng AI, các đồng nghiệp quốc tế tỏ ra bất ngờ, vì ứng dụng AI trong lĩnh vực tiêu hóa thường thấy ở Nhật Bản và các nước châu Âu, không thấy dữ liệu báo cáo ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Những công bố này không chỉ đóng góp vào cộng đồng y khoa thế giới mà còn là động lực cho các nước đang phát triển đi theo.
Hiểu rõ những khó khăn của các nhà nghiên cứu trong nước trong việc công bố kết quả, bác sĩ Hằng chủ động tham gia làm thành viên của Ban Công bố Hội Tiêu hóa thế giới, làm gương mặt truyền thông của Tạp chí Gan mật khu vực… Trong các vai trò này, cô sẽ làm cầu nối giúp kết quả nghiên cứu mới của các đồng nghiệp tại Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế và ngược lại.
Sau hơn 10 năm công tác, khi đã đạt đến độ chín về kiến thức, kinh nghiệm, bác sĩ Hằng tự thấy có trách nhiệm phải đào tạo thế hệ trẻ. Bởi theo cô, chính công tác đào tạo mới có ảnh hưởng rộng và sâu đối với nhiều tuyến. Những kỹ thuật mới về thăm dò chức năng đường tiêu hóa cũng cần được chuyển giao cho các tuyến cơ sở. Cô hy vọng sẽ xây dựng một nền tảng đào tạo trực tuyến được tích hợp thuật toán AI, để các bác sĩ không có cơ hội đến các bệnh viện lớn cũng có thể tự học, nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh. “Tôi cũng muốn truyền lửa cho các thế hệ 9X, gen Z có khát vọng vươn tới các đỉnh cao khoa học, từng bước rút ngắn khoảng cách của y khoa Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới”, cô tâm sự và cho rằng, kể cả khi công nghệ AI phát triển, hay mới đây ứng dụng ChatGPT đang làm nóng mọi diễn đàn, các bác sĩ cũng không lo mất việc, vì không có công nghệ nào thay được con người. Nhưng các bác sĩ sẽ phải học hỏi, trau dồi nhiều hơn để cạnh tranh, vì thực tế đã có nhiều phần mềm đọc kết quả chẩn đoán hình ảnh rất nhanh, chính xác, không thua bác sĩ có kinh nghiệm.
Nói về việc vừa làm bác sĩ lâm sàng, vừa giảng dạy, nghiên cứu khoa học, vừa tham gia nhiều hoạt động của đoàn, hội trong nước và quốc tế… mà vẫn luôn đầy sức sống, nhiệt huyết, bác sĩ Hằng cho biết, đó là nhờ kỹ năng quản lý thời gian. Cô đã xây dựng cho mình các “team” mạnh, chia công việc cho các bạn trẻ. Đó cũng là hình thức đào tạo tốt, giúp các em có cơ hội tham gia nghiên cứu, tổ chức khóa đào tạo, hội thảo. Vào những lúc làm việc căng thẳng, hay những lúc buồn, cô thường nghe nhạc như một giải pháp chữa lành, cân bằng bản thân.
Chia sẻ về sở thích của mình, cô nói rất thích đi du lịch. Đồng hành với cô là những người bạn cùng sở thích. Họ đều là những người trẻ và cũng vốn rất bận rộn trong cuộc sống. Lâu lâu, nhóm bạn lại khoác ba lô lên đường. Đó sẽ là những ngày không đụng đến máy tính, để đầu óc hoàn toàn tự do, phóng khoáng. Cô có vẻ tâm đắc với khái niệm “du lịch ngủ”, nghĩa là đến một không gian riêng, thật đẹp, dành nhiều thời gian ngủ để tái tạo, sau đó sẽ khám phá văn hóa bản địa, đặc biệt là tìm hiểu ẩm thực, thói quen ăn uống của dân địa phương.
Sau khoảng lặng đó, cô lại trở về với các công trình còn dang dở, với hàng trăm bệnh nhân đang chờ đợi, bằng sự tươi mới, giàu năng lượng, giàu ý tưởng sáng tạo hơn.
PGS-TS-BS Đào Việt Hằng, sinh năm 1987, giảng viên Bộ môn Nội tổng hợp - Trường Đại học Y Hà Nội; Phó Giám đốc Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội; Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học tiêu hóa Việt Nam; đạt danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2020, Thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020, Quả cầu vàng năm 2021, Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2021.