Xử lý triệt để xe dù, bến cóc; tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, xử lý vi phạm ở khu vực sân bay, nhà ga, bến cảng, cửa ngõ thành phố, khu vui chơi; mở đợt cao điểm xử lý người tham gia giao thông khi cơ thể có nồng độ cồn vượt mức quy định; kiên quyết xử lý phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định… Đó là những giải pháp trọng tâm mà chính quyền, ngành chức năng các cấp ở TPHCM đang triển khai quyết liệt để đảm bảo trật tự giao thông trong thời điểm cuối năm, giúp người dân đi lại thuận tiện, đón Tết Nguyên đán 2018 an toàn.
Không để rối loạn, ùn tắc trên 30 phút
Càng gần đến Tết Mậu Tuất, lượng người, phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn TPHCM càng tăng cao, năm nay các chuyên gia dự báo sẽ tăng hơn 1/3 so với ngày thường. Theo đó, tình hình trật tự giao thông ở thành phố sẽ diễn biến phức tạp, nhất là ở các khu vực cửa ngõ TP, gần các bến xe, cảng…
“Trước tình hình trên, năm nay, Ban An toàn giao thông (ATGT) TPHCM mở đợt cao điểm đảm bảo trật tự giao thông cuối năm từ đầu tháng 12-2017, sớm hơn mọi năm nửa tháng. Các giải pháp thực hiện có nội dung sâu, rộng và cụ thể hơn. Mục đích nhằm chủ động trước các tình huống phát sinh, không để giao thông bị rối loạn, ùn tắc trên 30 phút; cố gắng kéo giảm tai nạn giao thông xuống mức thấp nhất có thể; đảm bảo an toàn tuyệt đối, giúp mọi người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn thành phố đón tết yên bình - vui tết trọn vẹn”, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban ATGT TPHCM, cho hay.
Theo ông Tường, bám sát các mục tiêu đưa ra trong kế hoạch, Ban ATGT TPHCM đang quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thực hiện các giải pháp theo phân công. Trong đó, tập trung vào các giải pháp: Kiểm tra, xử lý hành lang ATGT, khẩn trương rà soát, khắc phục các điểm đen tai nạn giao thông, giải tỏa các khu vực có nguy cơ ùn tắc; đảm bảo an ninh, an toàn tại các sân bay, nhà ga, bến tàu xe, bến khách ngang sông; kiểm tra các điểm vui chơi, giải trí gần sân bay, không để tình trạng chiếu tia laser uy hiếp an toàn bay; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến bãi trái phép, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, chở quá số người quy định; kiểm tra thường xuyên, đảm bảo an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường và đường sắt.
Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an TPHCM, cho biết là đơn vị chủ lực trong đảm bảo trật tự giao thông, hiện nay PC67 đã hoàn tất công tác điều tra cơ bản, nắm rõ tình hình các tuyến, địa bàn, khu vực giao thông phức tạp và đã triển khai các phương án xử lý.
“Tại các tuyến đường có lượng phương tiện lưu thông đông, khu tập trung đông người, cửa ngõ thành phố, hiện chúng tôi đã tăng cường lực lượng chốt trực, thêm cán bộ trong tổ, thêm tổ trong khu vực để điều tiết, giải tỏa giao thông 24/24 giờ. Bên cạnh đó, chúng tôi sắp xếp, bố trí lại các ca trực cho hợp lý hơn, thời gian mỗi ca trực của cán bộ, chiến sĩ ngắn hơn để nâng cao khả năng xử lý, điều tiết giao thông, không để ùn tắc cục bộ xảy ra”, Trung tá Huỳnh Trung Phong thông tin.
Ghi nhận của phóng viên Báo SGGP, những ngày qua, trên tuyến đường dẫn vào sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, Bến xe miền Đông, Bến xe miền Tây, Ga Sài Gòn, cửa ngõ phía Bắc, khu vực trung tâm thành phố…, mật độ phương tiện lưu thông tăng lên từng ngày, tuy nhiên không xảy ra ùn tắc, kẹt xe kéo dài.
Tại các giao lộ luôn có 4 - 6 cảnh sát giao thông chốt trực, điều tiết giao thông, hướng dẫn, nhắc nhở người điều khiển xe tham gia giao thông đúng luật, lưu thông theo lộ trình an toàn. Trong các giờ cao điểm, ngoài cảnh sát giao thông, các lực lượng khác như thanh tra giao thông, công an phường, bảo vệ dân phố, thanh niên xung phong… cũng tham gia điều tiết giao thông, hỗ trợ giải quyết các trường hợp gặp sự cố (xe bị hỏng), va quẹt, tai nạn giao thông.
Nỗ lực kéo giảm tai nạn
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý và phạt nghiêm các lỗi: chủ bến bãi cơi nới, lấn chiếm lòng sông, hành lang an toàn, gây ảnh hưởng an toàn giao thông thủy; xử lý phương tiện chở hành khách, hàng hóa quá tải quá khổ; chở chất cháy nổ, pháo trái phép, đe dọa an toàn đến người khác; phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật… để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản, nỗ lực để tai nạn giao thông đường thủy không xảy ra”, đại diện Phòng PC68 nhấn mạnh.
Về công tác kéo giảm tai nạn giao thông trên đường bộ, Thanh tra giao thông (Sở Giao thông Vận tải) cho biết đang tích cực phối hợp với chính quyền, công an địa phương thanh tra, kiểm tra, xử lý kiên quyết nạn xe dù, bến cóc. Ngoài công tác tuần tra, xử lý vi phạm thường xuyên, Thanh tra giao thông đang phối hợp với các đơn vị liên quan lắp thêm camera quan sát để phạt “nguội”.
Bên cạnh lực lượng tuần tra, xử lý trực tiếp, Thanh tra giao thông và PC67 cũng tăng cường lực lượng báo tin, mật phục để nâng cao hiệu quả trong xử lý, nhất là đối với các đối tượng “cò”, tiếp tay cho xe dù hoạt động.