Bước đi quan trọng trong quá trình mở cửa
Không phải đến tận cuối thập niên 80, mà ngay từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976) đã khẳng định nhiệm vụ “tăng cường quan hệ kinh tế với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, thể hiện sự phân công, hợp tác, tương trợ trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa; đồng thời phát triển quan hệ kinh tế với các nước khác trên cơ sở giữ vững độc lập, chủ quyền và các bên cùng có lợi”.
Thực hiện chủ trương của Đảng, ngày 18-4-1977, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 115-CP với 7 chương và 27 điều, ban hành Điều lệ về đầu tư của nước ngoài ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là văn bản pháp luật đầu tiên về khuyến khích và điều chỉnh hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, đánh dấu bước đi quan trọng trong quá trình mở cửa, hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế của Việt Nam, góp phần tạo ra khung pháp lý ban đầu cho hoạt động đầu tư quốc tế ở Việt Nam.
Đúng 10 năm sau, năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, qua 2 lần sửa đổi, bổ sung (lần thứ nhất vào năm 1990, lần thứ 2 vào năm 1992) trước khi được thay thế bởi văn bản mới là Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam năm 1996, tiếp tục được sửa đổi, bổ sung năm 2000. Năm 2005, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Đầu tư, áp dụng thống nhất cho hoạt động đầu tư, không phân biệt nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời, và đặc biệt là sau Diễn đàn đầu tư 1991, với sự có mặt của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài dồn dập đổ vào Việt Nam. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều “làn sóng” nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân.
Nếu như năm 1986, Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 0,04 triệu USD vốn FDI, xếp thứ 121 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới thì đến năm 2022, Việt Nam đã nhảy vọt gần 100 bậc, lên vị trí thứ 23 khi thu hút được khoảng 17,9 tỷ USD vốn FDI.
Tính lũy kế đến ngày 20-8-2023, cả nước đã có 38.084 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 453,26 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 287,1 tỷ USD, bằng 63,3% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo, với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Việt Nam vẫn được xem là “điểm sáng” trên bản đồ thu hút đầu tư nước ngoài. Kể từ đầu năm đến nay, vốn FDI đăng ký và lượng vốn được giải ngân liên tục tăng, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.
Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế… Trong những giai đoạn kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, khu vực đầu tư nước ngoài chính là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng nhất.
Tiếp tục làm mới môi trường đầu tư
Tuy nhiên, có một động thái rất đáng lưu ý hiện nay là trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, thì các tập đoàn lớn lại đang cẩn trọng, xem xét kỹ việc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu bắt đầu được áp dụng từ năm 2024.
Trong khi đó, cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài đang ngày càng gay gắt. Nếu không kịp thời gia tăng năng lực cạnh tranh, nguy cơ tụt hậu vẫn luôn hiện hữu.
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, để có thể duy trì và tiếp tục đón làn sóng đầu tư mới, bên cạnh việc gia cố các điều kiện cũ (như mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp trong nước để tham gia chuỗi giá trị), Việt Nam còn phải chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới trong bối cảnh triển khai thuế tối thiểu toàn cầu.
Mặc dù thuế tối thiểu toàn cầu khó có khả năng “chặn” dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, do các ưu đãi về thuế không phải là yếu tố chính để các nhà đầu tư quyết định đầu tư vào Việt Nam, song Chính phủ Việt Nam - giống như các chính phủ khác trong khu vực - cần có những giải pháp thay thế để cân bằng các nghĩa vụ về thuế khi thuế tối thiểu toàn cầu được triển khai.
Hoạt động sản xuất tại Công ty cổ phần thiết bị y tế Vinahankook (doanh nghiệp FDI Hàn Quốc), xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: QUANG PHÚC |
Tháng 5 vừa qua, sau cuộc đối thoại với các nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài trong giai đoạn mới, nêu ra hàng loạt giải pháp và nhiệm vụ rất cụ thể.
Trong nhóm các giải pháp này, đặc biệt là đối với các địa phương tiếp nhận đầu tư, việc kịp thời tháo gỡ vướng mắc về thủ tục đầu tư, kinh doanh, kiên quyết cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh (địa phương nhiều năm nay nổi lên là một điểm sáng về đầu tư nước ngoài, đã mời gọi được nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, Amkor…), tiết lộ bí quyết thành công là tỉnh luôn nỗ lực đồng hành, sát cánh tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư. “Bắc Ninh luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính là “không có điểm dừng”, bà Nguyễn Hương Giang chia sẻ.
Tinh thần ấy, không chỉ Bắc Ninh hay một địa phương nào, mà cần được quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị.