Ngày 5-8, ông Nguyễn Long Hoai, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, cho biết công tác hộ đê vẫn được tiếp tục duy trì tại bên trong kè do Công ty Busadco thi công tuyến Đá Bạc – Kinh Mới thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời.
Hiện, UBND tỉnh Cà Mau vẫn bố trí các lực lượng túc trực 24 trên 24 để theo dõi và xử lý khi có các tình huống xấu xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (bìa trái đứng chỉ tay) trực tiếp đến hiện trưởng kiểm tra công các hộ đê ngày 4-8
Trước đó, vào ngày 4-8, do có nguy cơ vỡ đê, tỉnh Cà Mau đã huy động lực lượng quân sự, quản lý đê điều, xung kích địa phương… với tổng cộng 200 người đã vào và tấn được 7.000 bao tải đất, đóng gia cố 2.500 cừ tràm xử lý được 150m đê bị sạt lở nguy hiểm nhất, đánh chìm 1 xà lan để ngăn chặn những cơn sóng lớn đánh vào những điểm sạt lở nghiêm trọng nhất.
Lực lượng hộ đê khẩn cấp bên trong kè do Công ty Busadco thi công tuyến Đá Bạc – Kinh Mới
Theo Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp trong những ngày qua đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, sập 91 căn nhà, tốc mái 472 căn nhà, sạt lở đất ven sông với chiều dài 62m làm thiệt hại 2 căn nhà, ngập 1.843 căn nhà, 1 trường học và 2.540m lộ giao thông. Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 22 tỷ đồng.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kết hợp với nước biển dâng cao bất thường làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3m – 0,4m và nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tĩnh – Kinh Mới với chiều dài 12,5km. Trong đó, đoạn bên trong kè do Công ty Busadco thi công tuyến Đá Bạc – Kinh Mới thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời vốn đã sạt lở rất nghiêm trọng với chiều dài 356m.
Ngoài ra, còn có 4 điểm sạt lở với chiều dài 2.045m nằm trên tuyến đê từ Ba Tĩnh đến Tiểu Dừa và 1 điểm thuộc bờ nam Sông Đốc với chiều dài 86m cũng đang trong tình trạng sạt lở nguy hiểm.
Đê biển Tây bị sạt lở nghiêm trọng
Trước những diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thời tiết, thiên tai, đặc biệt là tình trạng sạt lở đê biển, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cho tỉnh cơ chế xử lý khẩn cấp đối với các công trình xử lý sạt lở bờ biển, đê biển vì nếu làm đúng quy trình sẽ mất rất nhiều thời gian và không thể xử lý kịp thời sẽ dẫn đến vỡ đê và gây ra thiệt hại rất lớn cho địa phương.
Đồng thời, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện các công trình khẩn cấp bảo vệ tuyến đê biển Tây, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân.
Bên cạnh đó, xem xét cho tỉnh Cà Mau được áp dụng cơ chế ngân sách Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA (không áp dụng cơ chế vay lại vốn ODA) đối với các Dự án đầu tư xây dựng đê biển, xây dựng kè tạo bãi khôi phục rừng phòng hộ chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu vì đây là các dự án không sinh lợi nên không có khả năng thu hồi vốn.