Tuyên bố của DOSM nêu rõ, các hoạt động kinh tế đang dần phục hồi sau tác động của đại dịch Covid-19 và dòng vốn FDI vào Malaysia đã tăng mạnh so với mức 13,3 tỷ ringgit (hơn 3 tỷ USD) trong năm 2020.
Theo DOSM, lĩnh vực sản xuất chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn FDI (61,4%) với 29,5 tỷ ringgit (6,7 tỷ USD) trong năm 2021, trong đó tập trung vào các ngành điện tử, thiết bị giao thông. Xét về nguồn cung FDI cho Malaysia, châu Á tiếp tục dẫn đầu trong năm 2021, với vốn FDI ròng là 22,5 tỷ ringgit (5,11 tỷ USD). Châu lục này cũng đứng đầu về tổng vốn FDI vào Malaysia tính đến cuối năm 2021 với 413,1 tỷ ringgit (gần 94 tỷ USD), vượt qua châu Âu (207,7 tỷ ringgit) và Mỹ (153 tỷ ringgit).
Từ năm 2021, Chính phủ Malaysia đã thông qua chính sách “Khát vọng đầu tư quốc gia” - khung chính sách tăng trưởng hướng tới tương lai nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19, làm nền tảng cho những thay đổi về chính sách đầu tư. Mục tiêu của chính sách là thu hút đầu tư chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ. Qua đó, Malaysia có thể đào tạo nhân lực đáp ứng các nhu cầu của ngành này cũng như tạo ra những việc làm có thu nhập cao, tạo ra một nền kinh tế cạnh tranh và giảm sự phụ thuộc vào nhân lực nước ngoài. Malaysia cũng áp dụng cách tiếp cận toàn diện để phục hồi hệ sinh thái đầu tư và đáp ứng đầy đủ các xu hướng mới nổi, cũng như nhu cầu ngày càng tăng của các nhà đầu tư.
Nhận định về dòng vốn FDI đổ vào Malaysia, giới chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một diễn biến tích cực, các chính sách thực tế và thân thiện với doanh nghiệp đang tạo điều kiện thuận lợi cho nền kinh tế hồi phục nhanh.Trong thời gian tới, để đạt mục tiêu đa dạng hóa hơn nữa nền kinh tế, Malaysia cần tập trung xây dựng đội ngũ nhân lực trình độ cao, thúc đẩy chế độ ưu đãi và thuế mạnh mẽ hơn, cải thiện khuôn khổ cấp phép và quy định, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hải quan.