Duy trì chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển

Ngày 3-10, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố báo cáo “Đánh giá chi tiêu công Việt Nam: Chính sách tài khóa hướng đến bền vững, hiệu quả và công bằng”. 

 

 

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty Nidec trong Khu công nghệ cao TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Mục tiêu của việc xây dựng báo cáo nhằm giúp Việt Nam có thêm căn cứ để xây dựng chính sách cũng như chương trình hành động đúng đắn hơn, mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt là xử lý tốt hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với giảm nghèo và hội nhập quốc tế.
Báo cáo đánh giá được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao có ảnh hưởng lớn đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn. Mức động viên thu ngân sách so với GDP đang có xu hướng giảm, nhất là tỷ trọng thu từ thuế và phí, trong khi nhu cầu chi ngân sách thời gian qua tăng nhanh, đặc biệt là chi đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội. Bên cạnh đó, với tốc độ mở cửa nền kinh tế nhanh, kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý, đã làm cho công tác quản lý kinh tế - tài chính trở nên phức tạp hơn. “Nhằm đảm bảo bền vững về tài khóa, Quốc hội Việt Nam đã có nghị quyết yêu cầu giảm thâm hụt ngân sách và đưa mức bội chi ngân sách cho cả giai đoạn 2016-2020 không quá 3,9% GDP, phấn đấu đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.
Để đạt được những mục tiêu này, cần có những giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để tăng cường huy động thu, tái cơ cấu và nâng cao hiệu suất chi tiêu, sử dụng có hiệu quả các tài sản hiện có, quản lý nợ công và giám sát rủi ro tài khóa một cách chủ động hơn, cả ở cấp trung ương và cấp địa phương”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.
Báo cáo đã đưa ra 68 khuyến nghị chính, trong đó gồm các biện pháp chính sách có thể được cân nhắc cho tài khóa, đảm bảo bền vững tài khóa nhưng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, thông qua duy trì mức độ chi tiêu hợp lý cho đầu tư phát triển và đảm bảo các mục tiêu xã hội; các khuyến nghị về định hướng cơ cấu lại ngân sách ở mức độ nhất định cho phù hợp, bao gồm phân bổ ngân sách giữa trung ương và địa phương, giữa đầu tư và thường xuyên, giữa các lĩnh vực trong cùng một ngành..

Tin cùng chuyên mục