Từ nhận thức đến hành động tự giác
Hiện nay, rất nhiều người đã tự giác hạn chế sử dụng chai nước bằng nhựa, ly nhựa, ống hút nhựa, túi ni lông… trong sinh hoạt, ăn uống và thay thế bằng các vật dụng phù hợp. Nhiều quán nước đã không dùng ống hút nhựa, hoặc thay ống hút nhựa bằng ống hút giấy, ống hút làm từ thực vật. Một số quán ăn đã thay ly nhựa bằng ly thủy tinh. Nhiều người thay vì lấy hộp nhựa đựng thức ăn, đựng nước của quán thì tự mang theo đồ đựng bằng kim loại, bằng sành sứ. Một số cửa hiệu đã chuyển qua dùng túi giấy làm bao gói cho khách thay vì túi ni lông như trước.
Một số siêu thị đã dùng lá chuối gói rau, hạn chế phát túi ni lông cho khách hoặc chỉ bán túi vải, túi thân thiện môi trường với giá ưu đãi. Nhiều trường học đã tích cực tuyên truyền hạn chế dùng đồ nhựa trong nhà trường, kể cả trong các sinh hoạt ngoại khóa. Nhiều cơ quan nhà nước đã hạn chế việc sử dụng nước đóng chai, mà thay vào đó là để đại biểu dự hội nghị tự lấy nước từ các bình nước lớn hoặc vòi nước nóng lạnh và chỉ dùng ly thủy tinh, tách sứ. Theo kế hoạch, từ năm 2020, Sở Tài chính TPHCM sẽ không cấp kinh phí cho các cơ quan nhà nước mua các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Điều đáng mừng là việc vận động giảm dần và tiến tới không dùng các sản phẩm từ nhựa khó phân hủy đã tạo tác động đến nhiều người dân, nhiều gia đình. Một số gia đình đã quan tâm thu gom đồ nhựa để bán ve chai hoặc cho người thu gom rác, chứ không còn vứt bỏ bừa bãi như trước. Nhiều phụ nữ đi chợ đã chú ý dùng giỏ xách để giảm số túi ni lông...
Sự chuyển biến đó là rất quan trọng, bởi số lượng đồ dùng bằng nhựa do người dân sử dụng và lượng rác nhựa do người dân thải ra môi trường là rất lớn. Do đó, nếu mỗi người giảm đi vài món đồ nhựa, vài chiếc túi ni lông, thì toàn thành phố, cả nước sẽ giảm đi lượng rác nhựa rất lớn. Nếu điều này được duy trì thường xuyên thì hiệu quả sẽ căn cơ, có ý nghĩa hơn, sẽ có tác động tích cực hơn đến môi sinh, môi trường.
Vai trò quản lý, định hướng và điều tiết
Để phong trào giảm rác nhựa thực sự có hiệu quả bền vững, vai trò quản lý, định hướng và điều tiết của Nhà nước là hết sức quan trọng. Đó là phải tác động từ tầm vĩ mô về vấn đề này, như tăng thuế đối với các sản phẩm nhựa (cả thuế đối với người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng), đồng thời tích cực hỗ trợ cho hoạt động sản xuất các đồ dùng thân thiện với môi trường thay thế. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân giảm rác thải nhựa, tăng tái chế, tái sử dụng đồ nhựa, sử dụng các đồ thay thế. Các cơ quan công quyền, các cán bộ công chức phải chú ý làm gương.
Phải xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi, chú ý thực hiện biện pháp phạt tiền thật nặng và buộc lao động công ích hoặc nhắc nhở tại cộng đồng. Thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh ở các khu dân cư, các điểm du lịch, thu gom rác thải, nhất là rác thải nhựa, nhằm làm sạch nơi sinh sống của người dân, nơi tham quan của du khách và qua đó tác động tích cực đến ý thức của người dân về vấn đề này. Nên tổ chức các diễn đàn, các cuộc thi về giảm rác thải nhựa để góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đồng thời tạo điều kiện để người dân hiến kế các giải pháp phù hợp. Có nhiều biện pháp, hình thức tác động đến học sinh, ngay từ lứa tuổi mầm non, mẫu giáo, để dần hình thành thói quen và nhận thức tốt. Trồng nhiều cây xanh và xây dựng môi trường sống sạch đẹp, an toàn, nhằm thúc đẩy ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, từ đó chuyển hóa thành ý thức chống rác thải nhựa.
Việc vận động giảm rác thải nhựa trong thời gian qua đã huy động được sự chủ động và tự giác của nhiều người dân, do bản thân mỗi người đã thấy rõ tác hại của rác thải nhựa đối với chính cuộc sống của mình. Tuy vậy, cần tiếp tục lan tỏa rộng hơn, đi vào chiều sâu hơn, có sự đồng bộ hơn, có tính căn cơ và bền vững hơn. Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp, giải pháp cụ thể, thiết thực và hiệu quả tùy theo điều kiện của địa phương mình, ngành mình, nhằm góp phần làm phong trào ngày càng đạt nhiều kết quả lớn hơn.