Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành nội vụ đã rất nỗ lực, đổi mới, sáng tạo và tạo được những chuyển biến quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực, đóng góp quan trọng vào kết quả chung của đất nước.
Cùng với đó là công tác quản lý chính quyền địa phương và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực ngành. Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một cách đồng bộ, thống nhất hơn trên các lĩnh vực đã tạo sự ổn định và phát triển rõ nét của ngành nội vụ cả nước trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế, bất cập trước yêu cầu thực tiễn đòi hỏi của sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển.
Tại hội nghị, ông Trương Hải Long, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành nội vụ đã tập trung rà soát, nghiên cứu, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quan điểm, đường lối, định hướng của Đảng.
Ngay từ những ngày đầu năm, Bộ Nội vụ đã tham mưu giúp Chính phủ ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước; phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm trong thực thi công vụ giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương; đảm bảo sự thống nhất, hài hòa giữa các cấp, các ngành, trên tinh thần hướng về cơ sở, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Đồng thời đề cao tính tự chịu trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, minh bạch.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ khẩn trương rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trung gian và đáp ứng nguyên tắc, tiêu chí thành lập tổ chức theo chủ trương của Đảng và của pháp luật…
Trong khi đó, việc quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt được nhiều kết quả. Cụ thể, trong 6 tháng, Bộ Nội vụ tập trung rà soát, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức để giải quyết những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện liên quan đến công tác tuyển dụng, đánh giá, xếp loại chất lượng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, kỷ luật, thôi việc… theo phản ánh, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ đã chỉnh sửa, ban hành mới 7 chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo nhiệm vụ được giao. Trình UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết về thành lập các phường thuộc thị xã Phổ Yên và thành lập TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên; thành lập thị trấn Phương Sơn thuộc huyện Lục Nam và thị trấn Bắc Lý thuộc huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang…
Đặc biệt, công tác cải cách hành chính được các bộ, ngành, địa phương quan tâm, tập trung đẩy mạnh thực hiện ngay từ đầu năm, sớm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính năm 2022 trên địa bàn và phạm vi quản lý. Theo đó, công tác cải cách hành chính của các bộ, ngành, địa phương được triển khai đồng bộ, toàn diện trên các lĩnh vực; 100% các cơ quan hành chính đã tiếp nhận, xử lý văn bản trên môi trường điện tử; đẩy mạnh việc áp dụng công cụ theo dõi, đánh giá cải cách hành chính phục vụ kịp thời công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành các cấp và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê đến quý II/2022, số dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 đạt 86%, tăng mạnh so với năm 2020 (năm 2020 chỉ số này chỉ đạt 30%). Điển hình là các Bộ: Công an, LĐ-TB-XH; các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Tây Ninh, Đồng Tháp, Ninh Bình…
Triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm, bà Phạm Thị Thanh Trà đề nghị các đơn vị thuộc Bộ Nội vụ kiên quyết không để chậm trễ hoàn thành một dự án luật, 16 nghị định, 15 thông tư và 31 đề án, văn bản… Với những vấn đề khó, cần thiết tổ chức hội thảo nhiều lần và mời các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương cùng cho ý kiến.
Người đứng đầu Bộ Nội vụ cũng yêu cầu tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước để sớm ban hành Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và tiếp tục rà soát sắp xếp đơn vị sự nghiệp thuộc bộ và các đơn vị trực thuộc bộ.
“Hoàn thành dứt điểm việc sắp xếp các tổ chức bên trong cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện, rà soát tiếp tục sắp xếp và cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối và đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; chú trọng xã hội hóa dịch vụ công ở những nơi có điều kiện”, bà Trà đề nghị và yêu cầu tiếp tục rà soát, xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022 – 2025... và một số nhiệm vụ quan trọng khác.