Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9

Durian, siêu bão vượt đại dương!

Thông tin liên quan
Durian, siêu bão vượt đại dương!

Sinh ra trên Thái Bình dương và sẽ chết trên Ấn Độ dương, bão Durian không còn tính chất nhiệt đới như quan niệm lâu nay của các nhà dự báo khí tượng thủy văn. Tuy “mạnh yếu có lúc khác nhau” nhưng hành trình của bão, đến nay vẫn chưa đứt đoạn...

  • Các nhà dự báo hụt hơi

Khởi phát từ vùng biển Micronesia, ngoài khơi Thái Bình dương rạng sáng 26-11, hành trình của Durian không mệt mỏi. Rời quần đảo Micronesia ngày 26-11 đến chiều tối 30-11 đổ bộ Philippines rồi Việt Nam từ khuya 4-12, đến trưa 6-12 bão có mặt trên vịnh Thái Lan và sẽ vượt qua vùng biển Thái Lan - Malaysia - Myanmar ngày 7-12 như một cuồng phong, đến 8-12 lại băng qua cảng Smith của Ấn Độ để hiện diện trên Ấn Độ dương!

Tính ra, quả “sầu riêng” Durian đã ít nhất 4 lần đổ bộ (2 ở Philippines, 2 ở Việt Nam) và còn tiếp tục đổ bộ 2 lần ở Surat Thani, Phukhet (Thái Lan) và cảng Smith (Andaman, Ấn Độ), chưa kể số lần “nhỏ lẻ” ở một số đảo nhỏ như Ko Phangan, Ko Samui, Ko Katen, Ko Phaluai ngang vùng biển biên giới Thái Lan, Malaysia. Bão đã đi từ 8,6 - đến 12 độ vĩ Bắc và từ 145,8 - 91,1 độ kinh Đông với khoảng cách khoảng 5.500km. Đó là tính theo đường chim bay, còn trong thực tế hải trình của bão xấp xỉ 7.000 - 8.000km. Tính đến khuya 6-12, Durian tròn 10 ngày tuổi. “Thọ” đến thế mà đến ngày thứ 12 (8-12), theo dự báo, bão vẫn chưa tan biến.

Đường đi của bão qua hai đại dương, được vẽ lại trên nền bản đồ Google.
Đường đi của bão qua hai đại dương, được vẽ lại trên nền bản đồ Google.

Đuổi theo bão, có lúc dường như các nhà dự báo muốn hụt hơi. Quy trình 6 giờ một lần dự báo gần như lạc hậu trước đường đi đầy bất ngờ của bão. Ngay cả “anh cả đỏ” JTWC trong làng dự báo cũng lắm lúc việt vị trước đường “lăn” của quả sầu riêng này. Đã mấy lần JTWC dự báo bão sẽ suy yếu và tan biến trên biển nhưng sau đó phải “hồi sinh” cho nó rồi lại dự báo suy yếu, tan biến trên đất liền rồi lại thêm một lần bão “hồi sinh”! Các mạng khác, dù dự báo ngắn hạn, sai số thấp cũng có lúc bị bão “thổi còi”!

Dự báo của VN, thường là chính xác do gần với cảnh báo bão nhưng có khi cũng phải dự báo lại khi sức gió bỗng mạnh lên, đường đi của bão bỗng chuyển hướng! Trước hôm 4-12 vài giờ đồng hồ, ai cũng chắc mẫm bão đổ bộ Cam Ranh - Nha Trang (Khánh Hòa) rồi Tuy Phong - Phan Thiết (Bình Thuận), ngoắc một cái dự báo bão vào Phan Rang (Ninh Thuận). Nhưng rồi, điều không ai ngờ đến đã xảy ra, 21 giờ khuya 4-12 bão đổ bộ đảo Phú Quý, cách Phan Thiết 120km phía Đông. Đảo có khoảng 30.000 dân, giữa biển trời chỉ biết cầu trời khấn phật.

  • Bão không biên giới

Không chỉ người trong nước chú tâm đến cơn bão này, nhiều kiều bào ở nước ngoài cũng đang ngóng về quê nhà với đầy âu lo. Họ vào các mạng dự báo, liên tục gọi điện về VN, hỏi thăm tình hình trú bão, thông báo hướng đi của bão và động viên người thân bảo trọng. Từ Mỹ, tiến sĩ khí tượng và môi trường Trần Tiễn Khanh cũng gửi cho chúng tôi e-mail phân tích về “cơn bão kỳ lạ” Durian.

Thư ông viết: “Bão Durian thật là cơn bão kỳ lạ. Kỳ lạ ở nhiều điểm như (1) một cơn bão mạnh, một siêu bão xảy ra ở cuối mùa bão, (2) bão đã mạnh lên rồi suy yếu rồi lại mạnh lên trong nhiều lần và (3) bão đổi hướng nhanh chóng làm các dự báo rất khó mà chính xác. Sau khi đổ bộ vào Philippines với sức gió siêu bão (250km/giờ trở lên), bão đã giảm sút khi vào biển Đông. Tuy xuống cấp nhưng Durian vẫn còn là cơn bão mạnh nên lúc ấy các mạng dự báo đều cho là bão đi theo hướng Tây Bắc, hướng về đảo Hải Nam và vịnh Bắc bộ. Do nước biển đã trở lạnh vào cuối mùa bão và do bị gió mùa Đông Bắc khống chế nên bão Durian chuyển sang hướng Tây, đe dọa các tỉnh miền Trung, nhất là Quảng Nam - Quảng Ngãi. Nhưng gió mùa Đông Bắc lại mạnh hơn bình thường, ngoài tiên lượng, nên bão Durian đã bị đẩy xa hơn về phía Nam.

Thông thường các bão chỉ xuống đến Quy Nhơn, ít khi đến vùng biển Nha Trang. Tại đây, nước biển còn ấm nên cơn bão được tiếp thêm nhiệt lượng, mạnh lên lần nữa. Sau khi đổ bộ lên đảo Phú Quý, bão đã đi dọc ven biển từ Bình Thuận đến Bến Tre. Đây cũng là một hiện tượng hiếm khi xảy ra vì ít khi bão xuống xa như vậy! Bão đã đổ bộ với sức gió 120km/giờ và tiếp tục đi theo hướng Tây-Tây Nam với tốc độ 30km/giờ. Do vùng đồng bằng Nam bộ có địa hình bằng phẳng nên bão di chuyển nhanh, không suy yếu nhiều vì chướng ngại địa hình như khi đổ bộ Philippines. Bão đi ngang những thành phố lớn của Nam bộ như Vĩnh Long, Cần Thơ... Bão vào vịnh Thái Lan khi nước biển ở đây còn ấm nên nó lại mạnh lên với sức gió 120km/giờ. Sau 24 giờ trên vịnh Thái Lan, Durian sẽ vào Ấn Độ dương và sau đó suy yếu cho đến khi tan biến. Durian có lộ trình thật dài và phức tạp. Nó sinh ra ở Thái Bình dương lại chôn vùi ở Ấn Độ dương. Thật là cơn bão kỳ lạ, thậm chí kỳ dị!”. 

Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

* Thời tiết TPHCM trở lại bình thường

Chiều tối qua 5-12, sau khi đi qua các tỉnh miền Tây Nam bộ xuống vịnh Thái Lan, bão số 9 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Vào hồi 22 giờ ngày 5-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 8,5 độ vĩ Bắc, 103,2 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 – 61 km/giờ), giật trên cấp 7.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây-Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Đến 22 giờ ngày 6-12, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 7,9 độ vĩ Bắc; 99,8 độ kinh Đông, trên khu vực phía Tây vịnh Thái Lan. Trong khoảng từ 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, vượt qua vịnh Thái Lan vào Ấn Độ Dương.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới đi qua cấp 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Vùng biển Cà Mau - Kiên Giang có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to và dông.

* Ông Phạm Văn Đức- Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, cho biết: Nếu không có gì bất thường hôm nay và các ngày tiếp theo thời tiết ở TPHCM và các tỉnh khu vực lân cận nắng ấm trở lại.

M.H. - T.L.

VÕ NAM AN

Thông tin liên quan

- Triển khai khắc phục hậu quả, ổn định đời sống

- Bão số 9 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

- TPHCM: Khắc phục hậu quả bão số 9

- Phóng sự ảnh về cơn bão số 9

- Tin mới nhất về cơn bão số 9

- ĐBSCL: Căng mình chống bão

- Bà Rịa - Vũng Tàu: Hàng ngàn căn nhà tốc mái, 10 người chết

- Đảo Phú Quý (Bình Thuận) bị cô lập

- 6g sáng nay, Cần Giờ (TPHCM): Hoang tàn đảo Thạnh An

- Dự báo 24 giờ tới, bão số 9 tiếp tục ảnh hưởng các tỉnh từ Ninh Thuận đến Cà Mau

- Các tỉnh: Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh đã sẵn sàng đối phó với bão số 9

- Hậu Giang, An Giang: Khẩn trương phòng chống bão

- Bão số 9 đổ bộ trực tiếp vào miền Đông Nam bộ và các tỉnh ĐBSCL 

Tin cùng chuyên mục