Lên sóng vào trung tuần tháng 9, series phim Squid Game (tựa Việt: Trò chơi con mực) trở thành phim truyền hình Hàn Quốc đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng tốp 10 chương trình truyền hình được xem nhiều nhất hàng tuần trên nền tảng Netflix toàn cầu. Nó đạt vị trí số 1 tại 90 quốc gia, gồm cả Mỹ và Anh, được dịch sang 37 ngôn ngữ và lồng tiếng sang 34 ngôn ngữ. Mẫu giày xuất hiện trong phim tăng 7.800% doanh số trong khi các loại quần áo, kẹo đường mà các nhân vật sử dụng cũng trở thành món đồ siêu ăn khách. Sau phim Parasite (Ký sinh trùng), điện ảnh Hàn tiếp tục tạo nên hiện tượng toàn cầu mới, nối tiếp thành công vang dội của làn sóng Hàn Quốc (Hallyu) vốn đã quá nổi tiếng với phim ảnh, K-pop…
Một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản cũng rất thành công trong chiến lược xuất khẩu văn hóa với những thương hiệu: phim hoạt hình anime, truyện tranh manga… Sẽ là khập khiễng khi so sánh Việt Nam với hai quốc gia nói trên. Nhưng, trong phạm trù xuất khẩu văn hóa, đó là những bài học giá trị đáng để học hỏi, chọn lọc và áp dụng.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhận định, công nghiệp văn hóa là một phạm trù rộng, bao gồm đa lĩnh vực: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Nó được kỳ vọng sẽ trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết nhu cầu việc làm.
Trên thực tế, chúng ta đã có những thành tựu nhất định so với chỉ tiêu đề ra trong chiến lược này. Năm 2019, lĩnh vực điện ảnh đạt tổng doanh thu khoảng 178 triệu USD (vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu là 150 triệu USD vào năm 2020), trong đó phim Việt chiếm 50 triệu USD như kỳ vọng. Nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, con số này hứa hẹn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Mỹ thuật Việt không chỉ có chiến lược quảng bá riêng mà còn đường hoàng bước ra thế giới với một số triển lãm hay các phiên đấu giá thành công. Âm nhạc Việt dù còn khiêm tốn nhưng có không ít sản phẩm hợp tác quốc tế hay, tạo dấu ấn nhất định. Một số lĩnh vực khác như: nghệ thuật biểu diễn, thời trang, xuất bản, kiến trúc, du lịch văn hóa... cũng đang trên hành trình đầy triển vọng dù biết để về đích là chặng đường dài.
Phải thẳng thắn thừa nhận, xuất khẩu văn hóa Việt chưa tạo thành làn sóng mạnh mẽ và rõ nét. Những tín hiệu khả quan kể trên vẫn mang tính nhỏ lẻ, cục bộ ở từng lĩnh vực. Chất lượng các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; năng lực cạnh tranh chưa tạo nên đối trọng để cân bằng cán cân giữa nhập khẩu văn hóa vào Việt Nam so với xuất khẩu văn hóa ra thế giới. Thành công ở lĩnh vực điện ảnh, doanh thu khổng lồ kể trên có đóng góp chủ yếu từ các hệ thống rạp chiếu phim có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó các rạp Hàn Quốc: CGV, Lotte chiếm tỷ trọng rất cao. Không quá lời khi nói chúng ta vẫn đang “nhập siêu” khá lớn các sản phẩm văn hóa. Ảnh hưởng trực tiếp của văn hóa Hàn, hay thời gian gần đây là văn hóa Âu - Mỹ là điều dễ nhận thấy. Trong cuộc đối chọi này, văn hóa Việt cần nhiều hơn nữa nội lực để vừa cạnh tranh, vừa giữ được bản sắc và tạo lối đi riêng.
Ngành công nghiệp văn hóa Việt cần hội tụ nhiều yếu tố: chính sách vĩ mô, nguồn nhân lực, đầu tư tương xứng... Khi khái niệm “công dân toàn cầu” ngày càng phổ biến, bản sắc quốc gia càng được chú trọng nhiều hơn, người nổi tiếng đều phải trở thành một đại sứ văn hóa. Du lịch Việt Nam từng thay đổi khẩu hiệu từ “Vẻ đẹp tiềm ẩn” sang “Vẻ đẹp bất tận”. Vậy thì xuất khẩu văn hóa Việt cũng cần được hiện thực hóa bằng các chiến lược, hành động cụ thể, mạnh mẽ hơn nữa…