Đường về tết gần hơn - Bài 2: Đường lớn nối đến muôn nhà

Không chỉ ở miền Tây mà ngay cả các tỉnh miền Trung, miền Bắc, hệ thống giao thông sớm đưa vào vận hành đã mang lại hiệu quả rõ rệt, rút ngắn khoảng cách, nhờ đó những chuyến hàng tết nhanh hơn, phục vụ người dân được kịp thời hơn.

Hương vị núi rừng về xuôi vui tết

Những ngày cận tết, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ vừa được thông xe vào cuối năm 2023 nhộn nhịp xe cộ hẳn lên. Những chuyến xe đầy ắp màu sắc và hương vị tết như lá dong, cành đào rừng từ Tuyên Quang, Phú Thọ vào đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai để về xuôi. Chiều ngược lại là những chuyến xe chở đầy hàng tết từ Hà Nội về các tỉnh miền núi. Những chuyến xe chở hành khách cũng bắt đầu vào mùa.

Với chiều dài hơn 40km, 4 làn xe, tốc độ khai thác tối đa 90km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ là tuyến cao tốc đầu tiên trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Được nối thông với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến cao tốc này đã mở rộng không gian phát triển mới cho cả khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Với người dân địa phương, đây là dự án được chờ đợi mang lại sự đổi thay rõ nét cho quê hương.

Chị Hoàng Thị Mến (chung cư Mandarin, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, nhờ tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ mà đường về thăm mẹ của chị ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) tết này trở nên rất nhẹ nhàng với chỉ 1 giờ đi xe. Trước đây, quốc lộ 2 xuống cấp và thường xuyên ùn tắc, thời gian di chuyển của chị phải mất gần 3 giờ.

Anh Nguyễn Tuấn, một chủ vựa nông sản ở huyện Hàm Yên (Tuyên Quang), cho biết, nhờ đường cao tốc, những trái cam đặc sản của Hàm Yên mất chưa đầy 2 giờ đã có mặt tại các siêu thị ở Hà Nội. Tết này, hàng chục tấn cam Hàm Yên được nhanh chóng phục vụ người dân Hà Nội ăn tết.

1h-2594.jpg
Đường cao tốc Bắc - Nam giúp người dân Bắc miền Trung rộng đường về quê đón tết. Ảnh: DUY CƯỜNG

Tại khu vực Bắc miền Trung, cuối năm 2023, hai dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã kịp nối thông tuyến đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến 2 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đây là 2 tỉnh đông dân nhất nước, quy mô dân số chỉ sau TP Hà Nội và TPHCM.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, với tổng mức đầu tư gần 13.000 tỷ đồng, 2 tuyến đã nối thông đường bộ cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An, dài 251km. Dự án không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, đặc biệt trong dịp lễ tết, giảm chi phí vận tải mà còn giúp các địa phương mở ra cơ hội phát triển kinh tế, du lịch, từng bước tạo được sự bứt phá. Toàn tuyến cao tốc có bố trí nút giao tại các khu vực trung tâm và điểm kết nối nên rất thuận lợi cho việc đi lại, không phải đi đường vòng xa xôi. Như tại tỉnh Thanh Hóa, nút giao Đông Xuân dẫn vào TP Thanh Hóa và các vùng phụ cận, nút giao Vạn Thiện kết nối vào quốc lộ 45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân, nút giao Nghi Sơn kết nối vào đường Hồ Chí Minh. Tại tỉnh Nghệ An, nút giao Quỳnh Vinh kết nối quốc lộ 48D, nút giao Diễn Cát kết nối quốc lộ 7 lên các huyện miền Tây Nghệ An như Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương…

Trước đây, quốc lộ 1A là tuyến đường độc đạo, mật độ phương tiện rất cao, cảnh ùn tắc kéo dài trong mỗi dịp lễ tết là nỗi ám ảnh rất lớn với người dân. Nhưng nay, nhờ cao tốc mới, từ Hà Nội về Nghệ An chỉ còn khoảng 3,5 giờ, và từ Hà Nội vào Thanh Hóa chỉ 2 giờ chạy xe.

Làm ăn “dễ thở” hơn

Anh Sầm Văn Chung (ở bản Đôm 2, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An) chuyên chở khách tuyến Quỳ Châu - Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng… trong những ngày này tất bật “tua” các chuyến ra Bắc đón người về quê ăn tết. Khi chưa có đường cao tốc, anh chạy vòng xuống quốc lộ 1A, thời gian thường phải mất ít nhất 6 giờ mới đến nơi. Tuy nhiên, từ khi có cao tốc, anh chạy xuống nút giao Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) sau đó theo cao tốc đi ra, thời gian rút ngắn còn 4 giờ. Nhờ vậy nên mỗi lượt chạy xe anh Chung tiết kiệm được kha khá tiền dầu!

5a-1361.jpg
Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Thanh Hóa, Nghệ An với các nút giao kết nối đã tạo thuận lợi cho việc đi lại. Ảnh: DUY CƯỜNG

Là chủ hãng vận tải Quỳnh Nhung (xã Xuân Du, Như Thanh, Thanh Hóa), chuyên vận chuyển hàng hóa tuyến đường dài Thanh Hóa - Hà Nội - Bắc Ninh - Thái Nguyên, anh Phạm Văn Quỳnh cho biết, nhờ có tuyến cao tốc, mỗi chuyến hàng rút ngắn được 45-60 phút. Nếu trước đây chở hàng ra Thái Nguyên theo quốc lộ 1A phải mất khoảng 5 giờ 30 phút thì nay tuyến cao tốc giúp thời gian rút xuống còn 4 giờ 30 phút. Việc rút ngắn thời gian giúp xe xoay vòng hàng nhanh, giảm chi phí cho khách hàng. Đặc biệt, với các mặt hàng tươi sống như hải sản, nhờ có tuyến cao tốc nên chuyển hàng đến nơi nhanh, đảm bảo và đáp ứng yêu cầu của khách. Anh Quỳnh mong muốn ngành chức năng cho điều chỉnh, nâng tốc độ lên, không hạn chế ở mức 60-80km/giờ thì việc đi lại sẽ nhanh chóng hơn. Ngoài ra, vì chưa có làn dừng khẩn cấp cũng khiến phương tiện gặp khó khăn khi buộc phải dừng.

Đối với các hãng xe khách cũng vậy. Anh Trần Toàn, lái xe khách của nhà xe Tiến Phương, chuyên chạy tuyến Như Xuân (Thanh Hóa) - Hà Nội, chia sẻ, nhờ có đường cao tốc nên lái xe khách “dễ thở” hơn rất nhiều. Trước đây, từ Như Xuân ra Hà Nội phải chạy ngược ra quốc lộ 1A, mất khoảng 4 giờ 20 phút; còn từ khi có đường cao tốc, anh vào nút giao Vạn Thiện lên đường cao tốc chạy chỉ khoảng 3 giờ. Đặc biệt, nhờ đi cao tốc giúp lái xe bớt căng thẳng, giảm thiểu tai nạn giao thông, vì không phải tránh xe máy, xe đạp, xe thô sơ, người đi bộ, các điểm dân cư… Thời gian này, khách từ Hà Nội bắt đầu rục rịch về quê ăn tết. Khi đủ khách anh chỉ “chạy một mạch” là về Như Thanh, Nông Cống, không phải đi đường vòng như trước đây.

Tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

Rạng sáng 23-1, trên tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tại Km 36+400, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng. Ô tô khách 45 chỗ ngồi lao xuống vực sâu khiến 2 người tử vong, 20 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được nhận định là do thời tiết có mưa, nhiều sương mù gây hạn chế tầm nhìn. Tuy nhiên, theo các tài xế thường xuyên lưu thông trên tuyến đường này thì nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông khá cao. Trong khi đó, ông Hoàng Hải Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết, năm 2023, tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông khiến nhiều người thương vong. Nguyên nhân chủ yếu là do tuyến cao tốc này hạn chế tốc độ từ 60-80km/giờ, nhưng nhiều lái xe cố tình vi phạm tốc độ, lấn làn ngược chiều để vượt, gây ra các vụ tai nạn giao thông đối đầu nhau.

Mặc dù gọi là cao tốc nhưng tuyến Cam Lộ - Túy Loan (Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị) chỉ có 2 làn xe, không có dải phân cách cứng, tốc độ cho phép tối đa 80km/giờ, nhưng lại quá nhiều biển báo giới hạn tốc độ đột ngột. Nhiều đoạn địa hình đồi núi hiểm trở, đường cong nhỏ, góc cua khuất tầm nhìn không có gương cầu lồi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông, đặc biệt với những xe đi ngược chiều nhau. Trong 11km xuyên qua Vườn quốc gia Bạch Mã với địa hình đồi dốc tạo nhiều khúc cua, nhiều đoạn dốc, khúc cua gấp khiến tầm nhìn bị hạn chế. Tốc độ quy định liên tục thay đổi khiến tài xế dễ mất tập trung. Bên cạnh đó, mạng điện thoại qua khu vực cũng chập chờn, nhiều đoạn không có sóng. Toàn tuyến không có điểm dừng, đậu để sửa chữa xe khi gặp sự cố. Cao tốc cũng không có đèn đường, chỉ có vạch sơn phản quang, không trạm xăng, trạm dừng, hai bên đường vắng vẻ. Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Trị mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ GTVT nghiên cứu mở rộng tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan từ 2 làn xe lên 4 làn xe theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Trị.

Tin cùng chuyên mục