Đường về quê ngoại

Về ngoại ăn tất niên? Tôi thoáng giật mình. Chỉ có má thoăn thoắt làm mọi việc thật nhanh, ngơi tay một chút lại bấm điện thoại gọi cho các cậu các dì tôi thông báo về cuộc họp mặt vào ngày mai, nét mặt vừa ngợi nghĩ vừa hân hoan ẩn chứa một nỗi vui khó lòng diễn tả.

Tôi bất ngờ vì bao nhiêu năm qua gia đình tôi, kể cả là má tôi, chưa bao giờ về ngoại để ăn bữa cơm chiều cuối năm. Từ hồi má về làm dâu, cho đến sau này lần lượt mấy chị em tôi ra đời thì ngày về ngoại luôn là mùng 3 Tết.

Nhà ngoại không quá xa. Nhưng thời ấy, phương tiện đi lại chủ yếu là ghe, xuồng; nhà nào khấm khá hơn thì có chiếc be kèm chạy máy koler, gọi là “ngon lành” nhất so với xóm giềng, nhưng đi đường sông vẫn thấy thật lâu thật xa, nhất là khi chúng tôi vẫn là những đứa con nít.

duong-ve-que-ngoai-8584.jpg
Đường về quê ngoại

Đường về nhà ngoại, tôi nhớ phải đi qua một khu chợ xuồng ghe ken nghẹt. Bao giờ ngang đó ba cũng tạt vào để má cắp giỏ xách lên bờ mua ít trái cây cùng bánh kẹo, thèo lèo mang ra cúng ông bà.

Sau đó chúng tôi lênh đênh trên dòng Kênh Xáng mênh mông. Hai bên mọc dày trâm bầu, gòn và lá nước. Trên chiếc be, má trải chiếu, ba chị em tôi ngồi ăn những củ khoai mì trộn dừa má mua.

Trên khúc sông này vẫn thường có một cô hàng chèo xuồng bán si rô đá bào, dáng người phốp pháp lắc chuông leng keng thay cho tiếng rao. Má thường biểu ba tấp lại mua cho mỗi đứa một bịch.

mai-ben-nha-no-ro-5442.jpg
Mai bên nhà nở rộ

Nhà ngoại cặp mé sông, có một hàng tạp hóa nho nhỏ của cậu mợ. Mỗi năm chỉ một lần về ngoại nên đứa nào cũng lạ người. Chúng tôi núp ló phía sau lưng má nhưng vẫn đủ để nhìn thấy ánh mắt hiền từ vô cùng trìu mến của bà ngoại tôi. Còn ông ngoại luôn ngồi xếp bằng trên bộ ván nhà trên, ngật ngưỡng lè nhè bên xị đế cùng mấy con khô cá sặc. Đôi mắt ngầu đỏ ông nhìn và ngoắt chúng tôi khiến đứa nào cũng sợ hãi khóc.

Những lúc như vậy, bà ngoại thường lẻn xuống tạp hóa của mợ lấy vài viên kẹo chanh dúi vào tay chúng tôi. Xong bà bóc những bọc thèo lèo để lấy những viên “cứt chuột” màu trắng, màu hồng bọc bên trong là hạt đậu phộng béo ngậy mà đứa nào cũng thích. Chúng tôi rụt rè nhận lấy rồi trèo lên những cái ghế dài hình ngựa gỗ lắc lắc và mê mải ăn.

Chỉ cần như vậy đã đủ cho mấy chị em tôi và bà ngoại “thân” nhau. Nhưng đó cũng thường là khi thời gian chúng tôi ở lại nhà bà không còn nhiều nữa. Má biểu mấy chị em đi chơi để má nói chuyện với ngoại. Mợ gọi chúng tôi tới lì xì mỗi đứa một tờ năm trăm đồng. Chúng tôi lại ngồi trên ghế gỗ hình ngựa để chơi. Tôi không biết bà ngoại và má nói với nhau những gì. Chỉ thấy mặt ba tôi đỏ bừng, cũng ngà ngà trên mâm rượu của ông ngoại.

san-nha-ngoai-4839.jpg
Sân nhà ngoại

Ba mươi Tết về nhà ngoại, cảm giác trong tôi thật lạ. Con đường như ngắn lại, cũng phải, giờ đường đã dẫn tới nhà. Nhà ngoại giờ cậu đã xây mới, khang trang. Những con ngựa gỗ năm xưa thay bằng bộ tràng kỷ. Tất cả đều mới mẻ nhưng có lẽ điều khác xưa khiến chúng tôi đau đớn nhất là giờ ông bà ngoại đã không còn.

Thoáng cái mà đã hơn ba mươi năm. Chừng ấy thời gian má như bị bứt lìa khỏi gia đình lớn của mình ở những ngày mà đáng lẽ được để dành cho những đoàn tụ. Bữa cơm chiều cuối năm nhà ngoại đã không có má dù má vẫn đó. Những bận bịu lo toan ở gia đình mới, những người già trẻ nhỏ cần chăm sóc và biết bao bổn phận cùng trách nhiệm đã ghì chặt má bên chồng.

Ba mươi năm cũng là thời gian chúng tôi khôn lớn, trưởng thành và nhận ra rằng rồi cũng sẽ có lúc mình giống như má, rời khỏi tổ ấm của mình thuở ấu thơ. Con đường trở về mái nhà khi xưa giữa biết bao vướng bận lo toan không phải lúc nào cũng dễ. Chỉ có thể trân trọng từng giây phút bên nhau trong bất kỳ thời điểm nào để rồi tự vun đắp cho gia đình nhỏ của riêng mình.

Đứng trước bàn thờ ông bà ngoại, tôi thấy má lén kéo vạt áo lau nước mắt. Nhưng tôi biết không phải chỉ có nỗi buồn. Má bây giờ đã là bà của những đứa cháu gọi mình là nội, ngoại. Chua cay đắng ngọt đã từng nhưng mái ấm mà cả đời má vun vén vẫn vững vàng, là chỗ dựa tình thương cho chúng tôi sau bao mùa bão dông. Vậy thì tâm nguyện lớn nhất của ngoại khi gả má cho ba tôi cuối cùng đã được toại nguyện. Trên cao kia, ông bà tôi, hẳn đã an dạ mỉm cười.

KHA NGUYÊN

Ngã Năm, Sóc Trăng

Tin cùng chuyên mục