"Đường về phương Nam" dẫn lối tìm hiểu nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương

Bằng tâm huyết và tìm tòi, TS Nguyễn Lê Tuyên vừa ra mắt ấn phẩm "Đường về phương Nam" (NXB Tổng hợp TPHCM), mở ra nhiều khía cạnh, những điểm sáng đưa đờn ca tài tử và nghệ thuật cải lương vang danh khắp nơi.

Nghệ thuật cải lương ra đời ở Nam bộ vào đầu thế kỷ XX và đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử.

Từ thời kỳ đỉnh cao vào những năm 1930 đến 1960, khi các vở tuồng cải lương thu hút hàng vạn khán giả đến các rạp hát lớn ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, cải lương đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người miền Nam.

att.m_I2K6x9B52ntizDCS2NKdojwDyQf10yI3BOMM2wMEo.jpg
"Đường về phương Nam" do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành, là tâm huyết của TS Nguyễn Lê Tuyên dành cho nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ

Tuy nhiên, từ những năm 1990 trở về sau, loại hình nghệ thuật này bắt đầu suy giảm trước sự cạnh tranh với các hình thức giải trí mới.

Năm 2013, UNESCO công nhận đờn ca tài tử là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Nghệ thuật sân khấu cải lương được kế thừa và phát triển từ nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, gần đây, đã được nhìn nhận lại như một di sản văn hóa quý giá, với nhiều nỗ lực qua các chương trình truyền hình và các dự án bảo tồn.

Nghệ thuật cải lương không chỉ là một hình thức giải trí, mà còn là phương tiện phản ánh đời sống xã hội và tâm hồn người dân Nam bộ. Nghệ thuật cải lương có thể xem như là viên ngọc quý của nền văn hóa Việt Nam.

Đường về phương Nam tuy không dày nhưng những thông tin, kiến thức trong cuốn sách lại chứa đầy sức nặng. Trong đó, phát hiện đáng chú ý nhất là buổi trình diễn cải lương đầu tiên ở Paris vào năm 1931, cùng sự kiện đờn ca tài tử được giới thiệu trong khuôn khổ của Hội chợ Triển lãm Toàn cầu năm 1900 tại Paris. Những sự kiện này không chỉ chứng tỏ sức lan tỏa mạnh mẽ của nghệ thuật truyền thống Việt Nam ra thế giới, mà còn khẳng định giá trị nghệ thuật và văn hóa của chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế.

Ở lời giới thiệu đầu sách, GS Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư xuất sắc của Đại học Công nghệ Sydney và Đại học New South Wales Australia) cho rằng, cuốn sách nhỏ này cũng làm thay đổi cách chúng ta nhận thức về đờn ca tài tử. Chẳng hạn, danh từ “tài tử” không đơn thuần chỉ những người nghệ sĩ bán chuyên nghiệp mà là những người có tài năng thực sự trong việc truyền tải và gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiểu và đánh giá đúng mức những đóng góp của các nghệ sĩ trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian.

Những hình ảnh và thông tin trong sách còn là nguồn tài liệu quý báu cho các nhà nghiên cứu trẻ và những người yêu mến nghệ thuật truyền thống. Qua những tư liệu mới được phát hiện, tác giả góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam, đồng thời truyền cảm hứng cho thế hệ mai sau tiếp nối và phát huy giá trị.

TS Nguyễn Lê Tuyên ngoài chuyên môn là nhà giáo dục chuyên ngành âm nhạc, còn là một người yêu quý nghệ thuật cải lương. Ông mang đến một số nghiên cứu mới về đờn ca tài tử và cải lương. Theo chia sẻ của ông, Đường về phương Nam gồm một số bài viết chọn lọc đã được đăng trên các báo, tạp chí, trang tin điện tử từ năm 2014 đến 2023, với mục đích tạo sự quan tâm và đóng góp một phần vào công cuộc nghiên cứu và vinh danh văn hóa Nam bộ.

Vì lẽ đó, Đường về phương Nam mà Nguyễn Lê Tuyên gửi đến quý độc giả, thay lời cảm ơn đến những nghệ sĩ đã và đang cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương, những con người kết nối quá khứ và hiện tại, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa này.

Tin cùng chuyên mục