Đến ngày 25-11-2014, BV Dã chiến cấp 2 số 1 được thành lập với những nhân sự đầu tiên, được chọn lọc từ BV Quân y 175, BV 7A, 7B (Quân khu 7) và BV Quân đoàn 4. Sau gần 4 năm tham gia công tác huấn luyện nghiêm ngặt, đến nay BV Dã chiến cấp 2 số 1 đã sẵn sàng chờ ngày lên đường nhận nhiệm vụ.
Những bước đi đầu tiên
Những ngày giữa tháng 6, thời tiết TPHCM đỏng đảnh, lúc nắng gắt, lúc mưa rào nhưng không cản được tinh thần và ý chí những chiến sĩ “mũ nồi xanh”của BV Dã chiến cấp 2 số 1 đang dày công tập luyện giữa “thao trường” mô phỏng tại BV Quân y 175.
Chỉ tay về phía chiến sĩ đang tập luyện, Thiếu tá Bùi Đức Thành, Giám đốc BV Dã chiến cấp 2 số 1 cho biết, anh chị em đang tập luyện chuẩn bị gấp rút lên đường qua Nam Sudan.
Nhớ lại những ngày đầu thành lập BV Dã chiến cấp 2 số 1, Thiếu tá Bùi Đức Thành chia sẻ, căng thẳng nhất là khâu tuyển chọn nhân lực. Tiêu chí lựa chọn nhân sự phải chú trọng vào những yếu tố như: phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn (phải có trình độ ngoại ngữ).
Ngài Toàn quyền Australia Peter Cosgrove trao đổi với chiến sĩ BV Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam
Yêu cầu của LHQ đưa ra rất khắt khe, mà khó nhất là đòi hỏi trình độ ngoại ngữ. “Giai đoạn đầu tiếng Anh là trở ngại lớn nhất, bởi đa số bác sĩ, y tá, điều dưỡng và kỹ thuật viên của mình trình độ tiếng Anh khá hạn chế nhưng LHQ đòi hỏi phải đạt chuẩn tiếng Anh IELTS 5.5 trở lên, rất khó với toàn bộ cán bộ, nhân viên.
Do đó, anh em phải liên tục học tăng cường tiếng Anh với sự hỗ trợ của Đại sứ quán Úc”, Thiếu tá Bùi Đức Thành cho hay. Cùng với việc đào tạo về ngoại ngữ, những chiến sĩ quân y của BV dã chiến còn được huấn luyện rất kỹ về chuyên môn, kỹ năng sinh tồn, kỹ năng ứng phó với những tai nạn bất ngờ.
Về chuyên môn, các chiến sĩ quân y không chỉ phải thành thạo chuyên ngành y khoa mà còn phải có khả năng hoạt động quân y trong môi trường dã ngoại khắc nghiệt. Đặc biệt, những đợt huấn luyện dã ngoại kéo dài cả ngày lẫn đêm trong rừng sâu, là trải nghiệm thực tế nhưng cũng là thử thách khó khăn đối với cán bộ, chiến sĩ của BV dã chiến.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc BV Quân y 175, do đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam ra nước ngoài làm nhiệm vụ, cũng là lần đầu tiên đưa cả một BV dã chiến ra hoạt động độc lập ở nước ngoài, chưa có tiền lệ nên công tác chuẩn bị lực lượng, kiểm tra sát hạch được thực hiện vô cùng khắc nghiệt theo tiêu chuẩn của LHQ.
Trong gần 4 năm ròng rã, cả Bộ Quốc phòng lẫn BV Quân y 175 và các chiến sĩ quân y của BV dã chiến phải mò mẫm vừa học, vừa làm. “Có nhiều quy trình, nhiều yêu cầu khác hoàn toàn với các tiêu chuẩn mà Việt Nam đang thực hiện. Nhiều khi rơi vào tình trạng huấn luyện xong xuôi nhưng khi sát hạch thì LHQ không chấp nhận và phải huấn luyện lại. Trong quá trình sát hạch, có người bị loại, phải thay người mới và đào tạo lại từ đầu, vô cùng khó khăn”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.
Sẵn sàng cho thử thách mới
Hiện tại, toàn bộ cơ sở vật chất cũng được BV chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng lên đường, với tổng số hơn 350 tấn hàng, vận chuyển bằng đường hàng không.
BV cũng được Chính phủ Úc tài trợ 2 chuyến bay, trang thiết bị cần thiết và con người chuẩn bị lên đường, còn các phương tiện cồng kềnh khác như xe, máy phát điện..., sẽ được vận chuyển bằng đường biển, đường bộ.
Cũng theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nếu như trước đây nói đến bộ đội Việt Nam là chiến tranh, thì giờ đã khác. Người lính Việt Nam bảo vệ hòa bình, “xuất khẩu” hòa bình ra thế giới, giới thiệu đến hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ trong thời bình.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, còn giao lưu văn hóa với các nước bạn, giới thiệu về văn hóa, hình ảnh Việt Nam với nón lá, áo dài, áo tứ thân, điệu múa hát dân ca, món ăn Việt… để quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Các chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam thực hiện diễn tập cứu người
qua tình huống khẩn cấp
qua tình huống khẩn cấp
“Gần 4 năm chuẩn bị, rất lâu, rất kỹ lưỡng với nhiều gian nan thử thách, vì nhiệm vụ, công việc do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng giao, chúng tôi muốn khẳng định với thế giới rằng, lực lượng quân y của Việt Nam có năng lực, có thể đáp ứng yêu cầu y tế của LHQ. Đến thời điểm này, BV Dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên đã hoàn thiện biên chế với 73 nhân sự, có từng vị trí công tác rõ ràng và đã sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ vào tháng 7 tới”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn khẳng định.
Trong lần cuối cùng kiểm tra công tác chuẩn bị của BV dã chiến vào ngày 4-5-2018 vừa qua, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cũng cho rằng, trải qua gần 4 năm chuẩn bị công phu, BV Dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam đã đạt các tiêu chuẩn mà LHQ đề ra và có thể sẵn sàng lên đường.
Đây chính là tiền đề cho BV Dã chiến cấp 2 số 2 và đơn vị công binh tiếp theo của Việt Nam sẽ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ vào năm 2020. “Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế sâu rộng, nhất là về quốc phòng, mở ra kênh hợp tác mới giữa Việt Nam với các đối tác.
Việc triển khai thành công BV dã chiến có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội và đất nước, khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng “chiến sĩ mũ nồi xanh” của quân đội ta, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.
Còn 73 cán bộ, nhân viên của BV Dã chiến cấp 2 số 1 thì đang mong ngóng chờ ngày lên đường, đội lên đầu những chiếc mũ nồi xanh mang biểu tượng của hòa bình và mang trong tim dòng máu nóng của dân tộc Việt sẵn sàng nhận nhiệm vụ.
Thiếu tá Bùi Thị Xoa, điều dưỡng viên BV dã chiến, người phụ nữ lớn tuổi nhất đoàn, tâm sự rằng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình với chị là cả một quá trình đắn đo, từ việc học ngoại ngữ đến việc “tạm gác” việc nhà, chồng con để lên đường nhận nhiệm vụ.
Chị cho biết, đã chuẩn bị tất cả, từ kinh nghiệm đến tinh thần sẵn sàng lên đường. “Chúng mình sẽ đón một cái tết cổ truyền ở châu Phi, nên sang đó mình sẽ gói bánh chưng, vừa để anh chị em nguôi đi nỗi nhớ quê nhà vừa muốn giới thiệu đến bạn bè nét ẩm thực độc đáo của người Việt.
Cùng với đó là những tiết mục dân ca, dân vũ trong tà áo dài truyền thống, cũng được chúng mình tập luyện thành thạo, để sang bên đó có thể giao lưu với bạn bè quốc tế, giới thiệu hơn nữa về văn hóa và đất nước con người Việt Nam”, chị Thoa tâm sự.
“Chính thức trở thành thành viên của LHQ từ ngày 20-9-1977, hơn 40 năm qua, Việt Nam đã luôn đồng hành cùng LHQ trên các chặng đường phát triển. Việt Nam cũng luôn thể hiện vai trò của một thành viên tích cực, có trách nhiệm tham gia vào gìn giữ hòa bình. Việc triển khai thành công BV Dã chiến cấp 2 số 1 có ý nghĩa quan trọng đối với quân đội Việt Nam, khẳng định sự lớn mạnh của lực lượng “chiến sĩ mũ nồi xanh” của quân đội ta, nâng cao hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết.