Chiều 9-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2024 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN).
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Kết luận số 49-KL/TW ngày 28-2-2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông vận tải ĐSVN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã đặt mục tiêu “Phát triển GTVT đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đáp ứng mục tiêu đến năm 2045 nước ta là nước phát triển có thu nhập cao. Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn”.
Để hoàn thành các mục tiêu sản xuất kinh doanh, Tổng công ty ĐSVN đã kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty ĐSVN lập phương án theo phương thức tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; giao tăng vốn cho Tổng công ty ĐSVN các khu ga có lợi thế thương mại để khai thác, phát huy nguồn lực, giảm ngân sách nhà nước đầu tư.
Tổng công ty ĐSVN cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT giao cơ quan chuyên ngành lập quy hoạch chi tiết đường sắt; xác định công năng, mục đích sử dụng thực tế đối với diện tích đất kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng và công trình công nghiệp đường sắt.
Đặc biệt, để đảm bảo an toàn, êm thuận và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, Bộ GTVT xem xét việc thực hiện hàn ray liền trên đường sắt hiện hữu như các nước trên thế giới. Trước mắt, có thể xem xét tập trung cho tuyến Hà Nội - Hải Phòng để tổ chức chạy tàu liên vùng đô thị, phục vụ nhu cầu của người dân có thể đi và về trong ngày giữa Hải Phòng, Hải Dương và Hà Nội; tiến tới thực hiện hàn ray trên các tuyến khác như Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Vinh...
Bên cạnh đó, Bộ TN-MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đường sắt đi qua cần thống nhất áp dụng các chính sách ưu đãi về sử dụng đất dành cho đường sắt, giải quyết thủ tục đất đai, miễn tiền thuê đất tại các đơn vị.
Các địa phương cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý trong giải quyết thủ tục đất đai, xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với những khu đất chưa có hồ sơ pháp lý (trong đó cho cấp nguyên trạng những diện tích đất ngành đường sắt đang sử dụng làm bãi hàng, quảng trường ga, nhưng chưa có điều kiện đầu tư theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật) làm cơ sở cho công tác quản lý theo quy định của Luật Đất đai.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi thăm, kiểm tra Ga Hà Nội, kiểm tra đoàn tàu chất lượng cao. Thủ tướng đánh giá cao ngành đường sắt đã đổi mới, áp dụng công nghệ trong nâng cao chất lượng dịch vụ, phục vụ hành khách và vui mừng thấy đường sắt đổi mới, tàu đẹp hơn, nhân viên trên tàu phấn khởi hơn. Thủ tướng đã thăm và động viên đội ngũ cán bộ, công nhân viên làm việc tại ga Hà Nội.