Đoàn tàu gồm 12 container chở lưu huỳnh, nhôm và sữa, đóng tại các nhà máy trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên. Sau khi về đến ga Yên Viên, đoàn tàu sẽ được kết nối vào các đoàn tàu liên vận quốc tế để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Sau ga Kép (Bắc Giang), Cao Xá (Hải Dương) là ga thứ 2 Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc cải tạo, nâng cấp nhằm tiếp tục chủ trương hiện thực hóa mục tiêu đưa hàng từ cửa khẩu vào sâu trong nội địa.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, với việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt tại Hải Dương, từ ga Cao Xá sẽ hình thành 2 tuyến đường sắt gồm Cao Xá - Yên Viên - Đồng Đăng và Cao Xá - Yên Viên - Lào Cai.
Từ đây, hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu. Mục tiêu của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam là nâng sản lượng vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt lên 4,5 triệu tấn/năm trong các năm tiếp theo.
Với hoạt động vận tải liên vận quốc tế tại ga Cao Xá, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics sẽ có thêm giải pháp vận tải tối ưu bằng đường sắt nhằm giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa, tăng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, hợp tác quốc tế.
Ga Cao Xá nằm cách trung tâm TP Hải Dương khoảng 5km, cách cảng Tiên Kiều 2km, kết nối với các đường tỉnh, quốc lộ đi tới các địa phương trong và ngoài tỉnh, gần nhiều khu công nghiệp, nhà máy có nhu cầu xuất nhập khẩu lớn.
Tỉnh Hải Dương hiện có 20 khu công nghiệp và hơn 50 cụm công nghiệp. Nhu cầu nhập khẩu vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rất cao đối với các nguồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam.
Tương tự, nhu cầu xuất khẩu hàng nông sản trên địa bàn tỉnh cũng rất lớn. Dự kiến, ngày 20-5 tới, tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức mở vườn vải Thanh Hà, cắt băng xuất khẩu vải chuyến đầu tiên tại ga Cao Xá.