Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, do ảnh hưởng mưa lũ, đến nay, đã có hơn 30 điểm, vị trí trên tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM bị sạt lở taluy, đất đá trên núi cao tràn xuống đường sắt...
Hiện những điểm bị ngập sau, phải dừng chạy tàu đã được thông tàu trở lại, tuy nhiên, các đơn vị mới sửa chữa bước 1, trả đường với tốc độ chậm 5km/giờ. Kinh phí để khôi phục tốc độ chạy tàu bình thường lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cũng theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mưa lũ đã làm ngành đường sắt giảm doanh thu và tăng chi phí phát sinh do phải chuyển tải hành khách, phát suất ăn miễn phí, trả lại vé tàu... gây thiệt hại khoảng 26,9 tỷ đồng, trong đó vận tải hành khách thiệt hại khoảng 16,2 tỷ đồng và vận tải hàng hóa khoảng 10,7 tỷ đồng.
Về đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, các đơn vị quản lý đường bộ đã rà soát hạ tầng giao thông khu vực miền Trung sau mưa bão và ước tính thiệt hại trên hệ thống quốc lộ khoảng 355 tỷ đồng.
Hiện trên các tuyến quốc lộ khu vực miền Trung đang xuất hiện hàng trăm điểm sạt lở taluy âm, taluy dương, nhiều đoạn đường bị đứt gãy gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Trong đó, hư hỏng nặng nề là các tuyến QL1, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, QL8, QL9, QL12A, QL12C, QL14B, QL14H, QL49, QL49B.
Trước mắt, các đơn vị cần cấp kinh phí để kịp thời thông xe các tuyến huyết mạch, đặc biệt là các tuyến đường phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn cũng như ứng cứu cho người dân tại các khu vực bị cô lập. Tổng cục ĐBVN đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải báo các Chính Phủ, Bộ Tài chính bố trí kinh phí khẩn cấp khoảng 100 tỷ đồng cho các đơn vị thực hiện bảo đảm giao thông bước 1 trên các tuyến quốc lộ.