Kết quả này được đo lường, tổng hợp từ các chỉ số: độ tin cậy, độ sẵn sàng, độ duy trì bằng bảo dưỡng, độ an toàn. Hiệu suất được đo đạc hàng ngày qua hệ thống và được báo cáo tại cuộc họp 19 giờ hàng ngày, từ ngày 5-12.
Những đoàn tàu đầu tiên trên tuyến đã vận hành theo 2 biểu đồ chạy tàu, từ 9 giờ tới 19 giờ hàng ngày, với 4 - 8 đoàn tàu chạy trong 5 ngày nối tiếp. Trường hợp mục tiêu hiệu suất chạy thử trong 5 ngày không đạt được (tính khả dụng của hệ thống đạt dưới 98%), việc chạy thử sẽ phải kéo dài tới 6 tuần đến khi đạt kết quả.
Tuy nhiên, với kết quả 99,65% đạt được, hệ thống đã được chuyển sang giai đoạn 2 của quá trình chạy thử. Ở giai đoạn 2, có 5 kịch bản vận hành đoàn tàu hạn chế ở các chế độ: mất điện kéo trên toàn tuyến, mất điện kéo ở một đoạn trên tuyến, mất nguồn cấp điện phụ trợ, phát hiện cháy tại một ga và tàu cứu hộ...
Theo lãnh đạo MRB, sau khi kết thúc chạy thử, hệ thống sẽ chuyển sang giai đoạn vận hành thử và tư vấn đánh giá an toàn hệ thống. Cục Đường sắt Việt Nam sẽ thẩm định báo cáo đánh giá an toàn hệ thống. Sau đó, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu các công trình xây dựng tiến hành rà soát hồ sơ dự án, các báo cáo đánh giá và công nhận kết quả để nghiệm thu cuối cùng, bàn giao đưa vào khai thác thương mại.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5km (8,5km đoạn đi trên cao và khoảng 4km đoạn đi ngầm), gồm 12 ga (8 ga trên cao, 4 ga ngầm), 1 khu ga tổng hợp rộng 15,5 ha. Hiện tiến độ tổng thể của dự án đạt khoảng 75,6%. Trong đó, tiến độ đoạn trên cao đạt 97,6%; tiến độ đoạn ngầm đạt 33,01%.
Do một số vướng mắc, dự án được đề xuất kéo dài thời gian hoàn thành vào năm 2027 thay vì năm 2022 trong phương án đã phê duyệt. Riêng đoạn trên cao sẽ được khai thác trong năm 2022. Tổng mức đầu tư dự án cũng được đề xuất tăng từ trên 32.900 tỷ đồng lên hơn 34.800 tỷ đồng.