Nhiều phương án kết nối
Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt phương án kết nối các tuyến xe buýt với dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Hà Nội đã bổ sung thêm 17 điểm dừng xe buýt dọc lộ trình tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông để sau khi tổ chức lại, toàn tuyến sẽ có 65 điểm dừng (2 chiều) với cự ly bình quân giữa các điểm dừng khoảng 400m. Đặc biệt, sẽ có 12 cặp điểm dừng xe buýt tiếp cận trực tiếp ngay trong khu vực nhà ga của các nhà ga đường sắt đô thị.
Ông Viện cũng cho biết, tại ga đầu tiên là ga Yên Nghĩa, Sở GTVT Hà Nội sẽ cho duy trì hoạt động của 20 tuyến xe buýt. Những tuyến xe buýt kết nối với ga Yên Nghĩa bao gồm cả các tuyến đi đến khu vực ngoại thành (Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Túc, Vân Đình, Thanh Oai, Xuân Mai, Quốc Oai, Hoài Đức, Thạch Thất…). Tại ga cuối cùng Cát Linh, Sở GTVT Hà Nội sẽ tổ chức 8 tuyến xe buýt, gồm 7 tuyến xe buýt thường và 1 xe tuyến buýt nhanh BRT01.
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng sẽ tiếp tục điều chỉnh thêm một số tuyến liên quan để tăng năng lực giải tỏa hành khách. Tần suất các chuyến xe buýt đảm bảo 12-20 phút/chuyến, riêng buýt nhanh có tần suất 3-5 phút/chuyến. Trong tương lai gần, hành khách đi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có thể kết nối với tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện đang được thi công, bởi nhà ga Cát Linh của 2 tuyến này chỉ nằm cách nhau hơn 200m.
Cùng với việc tổ chức giao thông kết nối, Sở GTVT Hà Nội cũng đang tổ chức cắm biển báo cho phép ô tô con, taxi dừng đỗ dưới chân các nhà ga. Tại ga đầu Yên Nghĩa và ga cuối Cát Linh, Sở GTVT Hà Nội đã bố trí khu vực trông giữ xe đạp, xe máy để hành khách gửi xe chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị…
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông dài 13,1km, 12 nhà ga. Năng lực vận chuyển của tuyến tương đương với hơn 100 xe buýt/giờ/hướng, có khả năng đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại trên trục Cát Linh - Hà Đông. |
Theo TS Trần Hữu Minh, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, triển khai hệ thống giao thông kết nối là vấn đề quan trọng quyết định hiệu quả khai thác của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Đây là một loại phương tiện giao thông mới, để quyết định lựa chọn sử dụng, người dân sẽ căn cứ vào lợi ích tổng thể của phương tiện vận tải đó. Về giá vé, hành khách sẽ được miễn phí trong 15 ngày đầu tiên để trải nghiệm. Sau đó, giá vé đi tàu Cát Linh - Hà Đông dự kiến ở mức 7.000 - 15.000 đồng/vé/lượt; 30.000 đồng/vé/ngày; 200.000 đồng/vé/tháng dành cho khách phổ thông. Mức giá này đã được TP Hà Nội trợ giá, chỉ nhỉnh hơn vé xe buýt, nên cũng là một lợi thế để thu hút khách.
Vấn đề còn lại là việc tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận. Hiện kế hoạch tổ chức giao thông kết nối đã có, nhưng cần được tổ chức đồng bộ, thông suốt và điều chỉnh kịp thời với nhu cầu thực tế. Nếu hệ thống này đảm bảo được quá trình tiếp cận của người dân nhanh chóng, thuận tiện và an toàn, người dân sẽ tự chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.
Một thách thức lớn mà TP Hà Nội đang gặp phải là, trong các phương án quy hoạch, các cơ quan chức năng trước đây chưa tính toán đến không gian làm chỗ đỗ xe, thang máy, hành lang đi bộ tại khu vực các nhà ga đường sắt. Do đó, trong thời gian tới, Hà Nội cần phải tính toán giải quyết vấn đề này.
Các chuyên gia cho rằng, sau khi nhận bàn giao, chính quyền địa phương phải rất quyết liệt trong việc quy hoạch, xây dựng, thiết kế bố trí không gian cho hệ thống giao thông tiếp cận. Do đặc thù đô thị Hà Nội, các loại hình giao thông công cộng chưa được đồng bộ, phần lớn người dân còn sử dụng phương tiện cá nhân, do đó, TP Hà Nội cần tổ chức ngay các bãi đỗ xe trung chuyển tại khu vực các nhà ga, giá trông giữ xe đúng quy định, để tạo thuận lợi cho người dân có thể gửi xe cá nhân trước khi chuyển sang sử dụng đường sắt đô thị. Nếu không đảm bảo thuận tiện, an toàn, đường sắt đô thị sẽ khó thu hút người dân sử dụng.