Chị Hoàng Anh (ngụ 130 Hoàng Hoa Thám, quận Hà Đông) cho biết, trước đây chị đi bằng xe máy từ Hà Đông đến đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) để làm việc, thường phải đối diện với tình trạng ùn tắc trên trục đường Nguyễn Trãi, và mất ít nhất 1 giờ cho quãng đường khoảng 12km. Nhưng hơn 4 tháng nay, chị Hoàng Anh chọn đường sắt Cát Linh - Hà Đông, vừa tránh được ùn tắc vừa rút ngắn thời gian (chỉ còn mất khoảng 45 phút).
Về chi phí, theo chị Hoàng Anh, việc mua vé tháng tàu, xe buýt mất khoảng 400.000 đồng/tháng, tương đương với chi phí đi xe máy nhưng an toàn hơn, không phải đội nắng mưa và hít khói bụi từ tắc đường. Chị Hoàng Anh cũng cho biết, việc bắt xe buýt tại các nhà ga khá thuận tiện với hơn 50 tuyến xe buýt kết nối dọc tuyến.
Mặc dù đang ngày càng đông khách nhưng chất lượng dịch vụ của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn khiến nhiều người dân chưa hài lòng. Cụ thể là dịch vụ gửi xe tại các ga tàu chưa thuận tiện, hành khách vẫn khó tìm chỗ gửi xe hoặc phải gửi ở một số bãi trông giữ xe tự phát với giá cao gấp đôi, gấp ba quy định. Mặt khác, ý thức của hành khách đi tàu chưa cao, có khách có những hành vi không đẹp như: gác chân, nói chuyện cười đùa to tiếng, trẻ em chạy nhảy trên tàu, vứt rác bừa bãi…
Đặc biệt, vấn đề quan trọng hơn được người dân quan tâm là đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới chỉ khai thác được khoảng 12%-13% công suất. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt - Đức, cho biết, do mới có một tuyến đơn độc (tổng chiều dài 12km) nên số lượng hành khách thực tế vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Theo công suất thiết kế, tàu có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, tương đương khoảng 80 triệu hành khách/năm, đáp ứng 55%-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến. Tuy nhiên, hiện tuyến đường sắt này mới chỉ đạt khoảng 10-12 triệu hành khách/năm. Do đó, TP Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường sắt đô thị đang và sắp được triển khai. Việc đưa vào khai thác đồng bộ hạ tầng nhiều tuyến đường sắt liên thông sẽ giúp TP Hà Nội đạt được mục tiêu giảm ùn tắc đô thị.