Trong đó, có 12/39 hầm xung yếu có vỏ hầm hư hỏng, phải hạn chế tốc độ chạy tàu. Tổng Công ty ĐSVN xin bố trí ngay 500 tỷ đồng để gia cố bằng cách sử dụng vòm thép hình, khung chống. Về lâu dài, Tổng Công ty ĐSVN kiến nghị cần đưa 12 hầm này vào các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Kết quả rà soát của Tổng Công ty ĐSVN còn cho biết, trên toàn mạng lưới hiện có 465 cầu và 876 cống bị quá niên hạn sử dụng hoặc xuống cấp; 182 công trình kiến trúc nhà ga không an toàn; 720 công trình đường ray hư hỏng. Tổng Công ty ĐSVN đã kiến nghị Bộ GTVT đưa các hạng mục này vào các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 hoặc bổ sung kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ hàng năm, tổng kinh phí hơn 15.700 tỷ đồng.
Trong khi chờ Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Tổng Công ty ĐSVN đề xuất cần ưu tiên bố trí ngay khoảng 700 tỷ đồng để gia cố 94 cầu và 95 tỷ đồng để gia cố 14 công trình kiến trúc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trên tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM, Gia Lâm - Hải Phòng, Yên Viên - Lào Cai, Đông Anh - Quán Triều, Hà Nội - Đồng Đăng, Diêu Trì - Quy Nhơn, Đà Lạt - Trại Mát.
Theo Tổng Công ty ĐSVN, các sự cố sụt hầm Bãi Gió, Chí Thành và công tác thi công các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty ĐSVN và các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.
Để giảm bớt khó khăn cho ngành đường sắt, Tổng Công ty ĐSVN cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục chính sách giảm 50% phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt tại Thông tư 44/TT-BTC/2023 cho đến khi hoàn thành toàn bộ các Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.