Theo ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc Hanoi Metro, hiện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vận chuyển trung bình khoảng 22.000-24.000 lượt hành khách/ngày, dịp cuối tuần từ 25.000-30.000 lượt hành khách/ngày.
Qua khảo sát cho thấy, có 84% hành khách chọn đường sắt đô thị vì tránh được tắc đường, di chuyển nhanh, giảm ô nhiễm môi trường, hiện đại, an toàn, thuận tiện… Điều đó chứng tỏ hành khách đã nhận ra sự ưu việt của loại hình vận tải mới này.
Tuy nhiên, số lượng hành khách thực tế vẫn quá thấp so mục tiêu đề ra. Theo công suất thiết kế, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận chuyển 217.000 hành khách/ngày đêm, tương đương khoảng 80 triệu hành khách/năm, đáp ứng 55-60% lưu lượng hành khách đi lại trên tuyến.
Trong 3 năm đầu đi vào vận hành, Hanoi Metro đặt mục tiêu mỗi năm vận chuyển từ 30-40 triệu khách/năm, năm tiếp theo là 50-60 triệu hành khách, và có thể đạt 80-90 triệu hành khách/năm trong trung hạn. Thế nhưng, với số lượng 20.000-25.000 khách/ngày như hiện nay, có thể nói dự án chưa phát huy hiệu quả.
Nếu xét về hiệu quả kinh tế, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2021, doanh thu của Hanoi Metro khi vận hành chính thức tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chỉ đạt hơn 5 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vận hành, quản lý tuyến đường sắt này khiến doanh nghiệp lỗ ròng 64 tỷ đồng. Nếu tính lũy kế cả năm 2020, doanh nghiệp đang lỗ tổng cộng 160 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia giao thông, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa hiệu quả là do tính kết nối quá kém. Mặc dù Sở GTVT Hà Nội đã bố trí trên 50 tuyến xe buýt kết nối với 12 nhà ga trên tuyến nhưng theo phản ánh từ người dân, phương tiện xe buýt cũng chưa thực sự tiện lợi, thường chậm trễ vì gặp ùn tắc trên đường. Các tuyến buýt nhanh (BRT) cũng gần như bị vô hiệu hóa trong giờ cao điểm.
Bên cạnh đó, do thiếu mặt bằng, thiếu cơ sở hạ tầng nên các ga của tuyến đường sắt trên cao vẫn chưa có địa điểm để các phương tiện dừng đón khách, trung chuyển khách. Các điểm trông giữ phương tiện cá nhân tại các ga dọc tuyến cũng chưa cố định và thuận lợi.
Theo TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, việc đưa các loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chở lớn, tốc độ cao, an toàn vào khai thác vận hành như Hà Nội BRT, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đem lại những kết quả ban đầu tích cực trong việc tạo ra môi trường để người dân dần chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng, đặc biệt với các chuyến đi thường xuyên. Đây cũng là một xu thế tất yếu. Để hệ thống đường sắt đô thị phát huy tối đa hiệu quả, TP Hà Nội cần quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để hoàn thiện kết nối các tuyến đường sắt đô thị hiện hữu với toàn mạng lưới giao thông công cộng, bao gồm cả xe buýt, taxi, các tuyến đường sắt đô thị khác... Quá trình này cần thời gian nhưng thành phố cũng cần một lộ trình rõ ràng để người dân, dư luận cùng theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ của những dự án vận tải công cộng hiện nay.
Trước mắt, để tăng hiệu quả tuyến đường sắt này, Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục tăng cường tiếp cận đường sắt đô thị bằng cách tạo không gian đi bộ thông thoáng, tăng cường điểm trông giữ xe quanh nhà ga, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội đã quy hoạch và đang triển khai |