Trước luồng dư luận đó, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở TT-TT TPHCM tiến hành thu thập thông tin, kiểm tra, xác minh thực tế. Sau quá trình kiểm tra, Sở TT-TT đã có kết luận cuối cùng, khẳng định các thông tin tố cáo đều không đúng sự thật, có tính chất vu khống.
Trong thông tin do Sở TT-TT cung cấp có nêu rõ các vấn đề được kiểm tra, đầu tiên là việc chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty cổ phần sang công ty TNHH MTV.
Trong đề án ban đầu có đề xuất mở công ty cổ phần, tuy nhiên khi triển khai, mô hình này gặp rất nhiều trở ngại như phải có vốn pháp định không dưới 20 tỷ đồng; vốn góp có đồng nghĩa sở hữu gian hàng hay không; không có cơ sở khách quan xác định việc phân chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông…
Sau cùng, ban điều hành đường sách đã chọn mô hình công ty TNHH MTV phục vụ công ích, không phát sinh lợi nhuận, hoạt động chủ yếu là quản lý điều hành, kinh phí từ sự thống nhất và đóng góp của các gian hàng.
Thực tế cho thấy, đây là mô hình hiệu quả nhất hiện nay và Đường sách TPHCM dựa trên mô hình này là đường sách duy nhất cả nước hiện đang hoạt động hiệu quả.
Về việc thu phí quản lý đối với các gian hàng, Sở TT-TT khẳng định không có việc thu 20 đến 25 triệu mỗi tháng; cũng không có việc tạm ứng 5 tỷ đồng để triển khai xây dựng đường sách và do đó cũng không có việc tồn dư 5 tỷ đồng tại Sở TT-TT như thông tin trên mạng.
Sở cũng kết luận không có việc Công ty TNHH MTV Đường sách TPHCM thu từ 40 đến 60 triệu đồng với 2 gian hàng cà phê trong đường sách. Mức thu hiện nay vẫn theo đúng mức thu đã được thỏa thuận từ khi bắt đầu hoạt động đường sách.
Đường sách TPHCM hiện được xem là một trong những điểm son về văn hóa không chỉ của TPHCM mà còn của cả nước. Tuy nhiên, mô hình hoạt động của Đường sách TPHCM được đánh giá là mô hình mới không chỉ ở Việt Nam mà cả với thế giới do đó rất nhiều hoạt động, quản lý, điều hành đều phải mày mò thực hiện từng bước.