Khu vườn tri thức
Đường sách tết năm nay lấy chủ đề “Ươm mầm tri thức - Khát vọng vươn cao”, trong đó điểm nhấn là việc tạo dựng toàn bộ khu vực đường sách như một khu vườn tri thức: Hình ảnh một cây tri thức kết từ các cuốn sách tỏa bóng mát xuống đường sách. Ông Nguyễn Tuấn Kiệt, đại diện Công ty TNHH Truyền thông Vinama, đơn vị phụ trách thiết kế tổng thể, cho biết hình ảnh cây tri thức là biểu tượng của TPHCM, tán cây cách điệu vươn ra to lớn, rộng rãi, tượng trưng cho nguồn tri thức vô tận của thành phố đang trên đà phát triển.
Đường sách tết năm nay có 4 khu vực với các chủ đề khác nhau, trong đó cũng vẫn với điểm nhấn cây tri thức, chủ đề đầu tiên sẽ có tên gọi “Ươm mầm tri thức” (đường Mạc Thị Bưởi) với hình ảnh tiêu biểu là vườn ươm những chồi non vươn lên mạnh mẽ, đầy sức sống. Đây được xem là không gian cho bạn đọc trẻ, với các đầu sách phù hợp lứa tuổi như tủ sách “100 quyển sách thanh thiếu niên TP cần đọc” và nơi để tổ chức giao lưu với các nhà văn trẻ.
Khu chủ đề thứ 2 dành cho triển lãm sách với tên gọi “Hào khí phương Nam - Thành phố phát triển”. Được thiết kế với không gian mở rộng rãi, khu này sẽ có các nội dung gồm: Triển lãm, trưng bày sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới thiệu về cổng thông tin sách điện tử về Bác; triển lãm những tư liệu, sách, báo về “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, với hàng trăm đầu sách, hình ảnh, bản đồ, tư liệu; triển lãm và trưng bày về quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của Sài Gòn - TPHCM qua 320 năm hình thành và phát triển. Đây cũng là lần đầu tiên, tại đường sách tổ chức triển lãm báo xuân.
Khu chủ đề thứ 3 có tên gọi “Khát vọng vươn cao” là khu sách tổng hợp với các đầu sách giáo dục, khoa học kỹ thuật, kinh doanh khởi nghiệp, tài chính ngân hàng… hướng bạn đọc đến với việc xây dựng TPHCM thành một đô thị văn minh, hiện đại. Đây cũng là nơi giới thiệu các loại hình sách điện tử (ebook) và quán cà phê sách.
Khu thứ 4 mang chủ đề “Biển đảo thiêng liêng”, giới thiệu hình ảnh, sách, bản đồ về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, gồm nhiều tư liệu mới, lần đầu công bố và cả những thành tựu về phát triển kinh tế biển thời gian qua.
Không trùng lặp với Đường sách TPHCM
Đường sách tết được xem là một mô hình độc đáo của TPHCM thời gian qua - môi trường đậm chất văn hóa đọc. Kể từ khi hình thành, Đường sách Tết luôn được đánh giá tích cực, giúp bạn đọc có điểm dừng chân, thư giãn thưởng thức sách, xem triển lãm. Năm nay, trong khuôn khổ Đường sách Tết Mậu Tuất, triển lãm kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các hình ảnh, hiện vật tại đây được đánh giá sẽ tạo ấn tượng mạnh về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, gắn liền với lịch sử phát triển của TPHCM.
Sau một năm tạm dừng, năm nay Đường sách tết lại tiếp tục có sự xuất hiện của sân khấu dân gian. Đây là nơi tái hiện các hoạt động lễ hội ngày xuân của nhiều vùng đất trên cả nước. Trong suốt thời gian đường sách mở cửa, sẽ có các trò chơi dân gian, múa rối, trò chơi lễ hội ngày xuân tiêu biểu của các khu vực văn hóa, dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sân khấu được đặt trên đoạn đường Mạc Thị Bưởi và do Công ty Phan Thị thực hiện.
Kể từ năm 2016, Đường sách tết luôn bị lo lắng sẽ trùng lặp sự kiện với Đường sách TPHCM (trên đường Nguyễn Văn Bình) do có cùng các đơn vị tham gia. Tuy nhiên, ông Võ Văn Long, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết sẽ không có sự trùng lặp về hoạt động. Đường sách tết thiên về hoạt động triển lãm, giới thiệu, còn Đường sách TP thiên về sự kiện giao lưu, trao đổi sách. Đặc biệt, Đường sách tết với sự tham gia của Thư viện Khoa học tổng hợp và Bảo tàng TPHCM sẽ mang đến những độc đáo riêng cho bạn đọc, khách tham quan.