Ở TPHCM, có nhiều con đường từng gắn liền với sách như đường Trần Nhân Tôn (quận 10), đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), đường Điện Biên Phủ (quận 1), đường Trần Huy Liệu (quận Phú Nhuận)… nhưng có lẽ Đường sách TPHCM (đường Nguyễn Văn Bình, quận 1) vẫn là địa điểm độc đáo và hấp dẫn hơn cả. Qua 6 năm thành lập, nơi đây chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị bên ngoài trang sách.
Đám cưới ở đường sách
Một buổi sáng giữa tháng 11, nhiều bạn đọc có mặt ở Đường sách TPHCM đã không khỏi bất ngờ trước lễ cưới của anh Nguyễn Tú Anh (36 tuổi, quê Yên Bái) và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai (32 tuổi, quê An Giang). Hơn 10 năm qua, anh Nguyễn Tú Anh đã khởi xướng chương trình “Chủ nhật yêu thương” và “1.001 thư viện bản xa”, vận động quyên góp hàng triệu cuốn sách để thành lập thư viện cho học sinh vùng cao trên khắp cả nước. Cũng từ sách mà anh gặp gỡ và nên duyên với chị Tuyết Mai, một cô gái cũng yêu sách và tham gia vào nhóm thiện nguyện của Tú Anh từ hơn hai năm trước.
Vẫn còn lâng lâng trong cảm giác hạnh phúc, anh Tú Anh chia sẻ: “Tôi vốn là người có cuộc sống đơn giản, nên khi làm đám cưới, tôi muốn đám cưới cũng đơn giản, không nặng nề chuyện lễ nghĩa, không tiệc tùng. Khi chia sẻ suy nghĩ này, vợ tôi đồng ý. Tôi và vợ quen nhau nhờ sách nên cả hai muốn có một lễ cưới để cảm ơn sách cũng như đúng với công việc, hoạt động mà chúng tôi vẫn làm hàng tuần”.
Trước ngày cưới không lâu, Tú Anh và Tuyết Mai đã thông báo đến người thân và bạn bè về việc không nhận tiền mừng, hai vợ chồng sẽ nhận sách thay cho quà cưới. Không chỉ người thân và bạn bè của cô dâu, chú rể, mà có rất nhiều người không quen, khi biết đến ý tưởng đẹp của hai người, liền ghé các gian hàng ở đường sách mua sách tặng như một lời chúc phúc. Anh Tú Anh cho biết, sau đám cưới, vợ chồng anh nhận được hơn 1.000 cuốn sách, đa phần là sách thiếu nhi. Số sách này hiện đang được hai vợ chồng phân loại và đóng gói để gửi tặng trẻ em vùng cao.
Tình cờ chứng kiến đám cưới có một không hai ở Đường sách TPHCM ngày hôm đó, Ngọc Nga (25 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) bày tỏ: “Tôi chưa bao giờ được tham dự một đám cưới đặc biệt như vậy. Rất đơn sơ, giản dị nhưng lại vô cùng ấm áp. Mặc dù không quen biết cô dâu và chú rể nhưng tôi lấy làm vui và xúc động với đám cưới của họ. Đặc biệt, tôi vô cùng cảm kích tấm lòng của hai anh chị, khi thông qua lễ cưới của mình đã gom sách để gửi tặng các em nhỏ”.
Từ khi có Đường sách TPHCM, không ít bạn trẻ vẫn thường đến chụp ảnh cưới, ghi lại khoảnh khắc đẹp trên con đường đặc biệt của thành phố. Tuy nhiên, một lễ cưới như của anh Nguyễn Tú Anh và chị Nguyễn Thị Tuyết Mai thì là lần đầu tiên. “Đây là một đám cưới rất văn minh và nhân văn. Nếu sau này có những đám cưới hay hoạt động tương tự như vậy, ban quản lý đường sách hoàn toàn ủng hộ. Thậm chí có thể cho họ mượn sân khấu hoặc hỗ trợ về không gian”, chị Huỳnh Thị Thanh Thúy, Trưởng văn phòng sự kiện của Đường sách TPHCM, cho biết.
Không gian văn hóa thân thiện
Ngay từ khi ra đời, Đường sách TPHCM đã nằm trong “Tốp 10 sự kiện nổi bật của thành phố” vào năm 2016. Theo thời gian, đường sách trở thành địa điểm quen thuộc không chỉ với người dân thành phố mà với cả du khách. Tôi có một số người bạn ở xa, hầu như mỗi lần đến thành phố cũng đều ghé đường sách để hẹn hò cà phê, trò chuyện. Bởi theo họ, đây thực sự là một nơi gặp gỡ lý tưởng và yên bình với những kệ sách nằm ngay ngắn, trên đầu là vòm me xanh mướt. Rồi thỉnh thoảng lại gặp được những tác giả mà họ mới chỉ biết đến qua những trang sách đã đọc.
Ngoài những gian hàng sách, các hoạt động giao lưu giới thiệu sách mới, giao lưu với các tác giả, Đường sách TPHCM còn là nơi góp phần lưu truyền các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống đến giới trẻ và khơi dòng ký ức với các thế hệ. Có thể kể đến các hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống: Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, Một phường rối nước, Cải lương: Thật và đẹp; Lục tỉnh cầm ca - đường vào nghệ thuật truyền thống của người trẻ… Cùng với đó là những chương trình biểu diễn âm nhạc từ cổ điển đến đương đại: đêm nhạc tưởng nhớ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn; đêm nhạc Acoustic của học sinh, sinh viên; biểu diễn nhạc cụ với dòng nhạc cổ điển; biểu diễn Flute day - Ngày hội trải nghiệm sáo Tây… Những chương trình này đều không thu vé, ai cũng có thể tham gia.
Anh Trần Đình Ba, biên tập viên của NXB Tổng hợp TPHCM, bày tỏ: “Là đường sách, nhưng hoạt động ở nơi đây không đơn thuần là những kệ gỗ, những trang giấy. Đường sách tổ chức đa dạng hoạt động văn hóa như giao lưu sách, trưng bày tác phẩm, tổ chức sự kiện văn hóa thành phố… cùng với đó là các dịch vụ đi kèm như cà phê, khu vui chơi trẻ em, thư viện xe buýt sách giúp nơi đây trở nên hấp dẫn, đầy sức sống và phù hợp mọi lứa tuổi. Qua 6 năm thành lập, Đường sách TPHCM trở thành không gian văn hóa thân thiện và độc đáo của thành phố”.
Giống như các ngành nghề khác, Đường sách TPHCM cũng gặp không ít khó khăn do dịch Covid-19, thậm chí phải đóng cửa nhiều tháng liền. Đến đầu tháng 10, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, đường sách mới hoạt động trở lại. Đây không chỉ là niềm vui riêng của những “mọt sách”, mà còn là niềm vui của người dân thành phố. Bởi đường sách giờ đây đã trở thành không gian chung và không quá lời khi nói rằng đây cũng chính là niềm tự hào của thành phố mang tên Bác.
Đường sách TPHCM còn là không gian lan tỏa sự nhân ái, nơi khởi nguồn cho những yêu thương, đùm bọc lẫn nhau giữa mọi người. Nhiều người vẫn chưa quên 2 hoạt động biểu diễn âm nhạc gây Quỹ “Sugarians with a camera” và sự kiện “Vui Tết Trung thu” do Sugar Việt Nam - một tổ chức thiện nguyện phi lợi nhuận thực hiện. Lợi nhuận thu được từ chương trình đã được gửi đến các trẻ em đang sinh sống tại các mái ấm: Hoa Mai, Hoa Mẫu Đơn, Quận 8… Hay như nhóm Share to Smile tham gia tổ chức trồng cây, sáng tạo thủ công dành cho các bạn nhỏ, đồng thời bán những sản phẩm handmade do thành viên của nhóm thực hiện. Toàn bộ tiền thu được, nhóm mua dụng cụ học tập, sách vở và trao học bổng cho học sinh khó khăn. |