Ngã tư Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng và Tràng Tiền - Hàng Khay ở trung tâm Hà Nội hầu như không bóng người buổi trưa 6-5. Ảnh: TUẤN VIỆT (VPHN) |
Dữ liệu khí tượng của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng như các trung tâm theo dõi khí tượng tại khu vực châu Á đều cho biết, ngày 6-5, tại miền Bắc và miền Trung nước ta, đã xảy ra nắng nóng kỷ lục. Chẳng hạn, tại tỉnh Hòa Bình, đã xuất hiện nền nhiệt lên tới 41-42oC, phá vỡ kỷ lục hồi tháng 3-2023. Nền nhiệt độ cao kéo dài đến tận 17 giờ chiều.
Cụ thể, trạm đo tại Lạc Sơn (Hòa Bình) ghi nhận 41,7oC; TP Hòa Bình 41,3oC; Hồi Xuân (Thanh Hóa) 42,2oC; Quỳ Châu (Nghệ An) 42oC; Tương Dương (Nghệ An) 42,5oC; Tây Hiếu (Nghệ An) 42,5oC, Hương Khê (Hà Tĩnh) 41,3oC… Đáng quan ngại, độ ẩm có nơi chỉ còn 33% (hầm hập như lửa).
Đáng chú ý, vùng nắng nóng đã tràn từ khu vực Tây Bắc bộ sang Đông Bắc bộ và đồng bằng sông Hồng (bao hồm TP Hà Nội). Vào buổi trưa, độ ẩm không khí chỉ còn 40%, không khí oi nồng, ngột ngạt, nên hầu như người dân không ra đường, ra đồng làm việc để tránh nắng nóng.
Bên dưới là hình ảnh đường sá ở trung tâm Hà Nội bao quanh Hồ Hoàn Kiếm không bóng người vào buổi trưa 6-5 vì nắng nóng đầu mùa oi ả.
|
“Ở phía Đông Bắc bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ ngày 6-5 phổ biến 35-38oC, có nơi trên 38oC, độ ẩm phổ biến 40-65%. Tây Nguyên và Nam bộ có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ lúc 13 giờ phổ biến 35-37oC, có nơi trên 37oC, độ ẩm tương đối lúc 13 giờ phổ biến 45-60%”- bản tin của cơ quan khí tượng cho biết.
Đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, trên đây chỉ là nền nhiệt thống kê đến 14 giờ cùng ngày, số liệu đầy đủ sẽ được cập nhật vào 20 giờ ngày 6-5.
Trong khi nắng nóng kỷ lục thì theo cơ quan khí tượng, từ chiều tối 7-5, miền Bắc lại đón một đợt không khí lạnh từ trung tâm lục địa châu Á tràn xuống. Không khí lạnh tràn về ngay sau thời điểm nắng nóng gay gắt, không chỉ khiến nền nhiệt sụt giảm đột ngột, còn gây nguy cơ xuất hiện thiên tai cực đoan như mưa đá, dông lốc, sét…
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 7-5, nắng nóng vẫn xuất hiện ở hầu hết các vùng miền trên cả nước, nhưng đến tối 7-5 nhiệt độ giảm mạnh, sang ngày 8-5 thời tiết chuyển mát. Riêng khu vực Tây Bắc bộ, Trung Trung bộ nắng nóng vẫn duy trì sang ngày 8-5, sau đó kết thúc.
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, đợt nắng nóng này, khu vực Tây Bắc bộ, vùng núi các tỉnh từ Thanh Hóa vào đến Thừa Thiên - Huế là nơi chịu tác động mạnh của nắng nóng cũng như gió phơn, nên nhiệt độ ở nhiều địa điểm tăng vọt lên 40 đến trên 41oC, có điểm nhiệt độ vượt mốc lịch sử tháng 5 hàng năm. Đáng lưu ý, đây chỉ là đợt nắng nóng “dạo đầu” ở miền Bắc và miền Trung.
Không chỉ nắng nóng, thời tiết năm nay rất dị thường, nhiều nơi đã xảy ra hạn hán kỷ lục từ đầu năm 2023 đến nay. Bên dưới là hình ảnh một nông dân ở Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi - Hòa Bình) đứng giữa cánh đồng khô khát suốt 3 tháng nay và đợt nắng nóng kỷ lục 41-42oC vào các ngày 5 và 6-5. Hầu như ngô (bắp) đã chết héo, nông dân ở đây phải chuyển sang trồng cây sắn (mì) vì chỉ loại cây này mới chịu được nắng nóng và khô hạn. "10 năm nay mới lại có đợt hạn hán như thế này"- nông dân này cho biết.
Cánh đồng khô khát không giọt nước, suối cạn khô ở Thung Rếch. Ảnh: VĂN PHÚC |
Trong tháng 5-2023, dự báo có 2-3 đợt nắng nóng diện rộng như vậy. Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, lần đầu tiên trong năm 2023, nắng nóng xảy ra đồng thời trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Nhiều năm trước đây, mùa hè nắng nóng ở miền Bắc và miền Trung khởi động thì mùa mưa ở miền Nam cũng bắt đầu, nhưng hiện nay ở Nam bộ vẫn đang nắng nóng. Đây cũng là đợt nắng nóng diện rộng đầu tiên ở Đông Bắc bộ và thủ đô Hà Nội, từ nay đến tháng 7-2023, miền Bắc còn xuất hiện nhiều đợt nắng nóng gay gắt.