Theo thông tin từ tỉnh Lai Châu, mưa lớn đã gây sạt lở trên Quốc lộ 4D, Quốc lộ 4H, Quốc lộ 12… Đặc biệt, dọc Quốc lộ 4H nối từ Quốc lộ 12 (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) với huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đã xuất hiện nhiều điểm sạt lở tại các km242+550, km319+710, km190+710, km186+300… với tổng khối lượng sạt, sụt ước khoảng 3.500m3. Công ty cổ phần bảo trì đường bộ I Lai Châu đã bố trí phương tiện để tập trung khắc phục, nỗ lực thông lại đường từ trưa 31-7.
Thông tin từ thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai), sau trận mưa tối 30-7, trên Tỉnh lộ 152 và đường giao thông nông thôn xuống các xã Tả Van, Thanh Bình, Bản Hồ… đã bị sạt lở ta-luy dương.
Khoảng 22 giờ ngày 30-7, gia đình bà Sần Thị Diễn ở thôn Tả Van Giáy 2 (xã Tả Van) bị đất đá sạt trượt vào bếp.
Trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, sáng nay 31-7, cung đường từ thị trấn Nước Hai đi xã Trưng Lương (huyện Hòa An) - gần dự án thủy điện Bình Long ở xã Hồng Việt, đã bị sạt lở nghiêm trọng với khối lượng đất đá lớn tràn xuống lòng đường. Nhiều người dân sở tại cho biết, vị trí này liên tục xảy ra sạt lở khi mưa, nhiều người không dám đi qua. Đến trưa 31-7, cơ bản chỉ xe máy qua lại được, nhưng theo đánh giá của người dân, việc qua lại khu vực này rất nguy hiểm.
Còn trên tuyến Quốc lộ 3 nối tỉnh Thái Nguyên với tỉnh Bắc Kạn đoạn qua xã Quảng Chu (huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn) sáng nay xuất hiện một vết nứt xiên mặt đường nhựa, rất nguy hiểm. Cơ quan chức năng đã đặt biển cảnh báo, đồng thời lưu ý tài xế cần hạn chế lưu thông qua khu vực này.
Năm nay mưa lũ và sạt lở xảy ra với tần suất, số lượng nhiều hơn các năm trước. Mới đây, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã xảy ra liên tiếp các vụ sạt núi tại huyện Bắc Mê và huyện Hoàng Su Phì. Vụ nghiêm trọng nhất xảy ra vào ngày 13-7 tại xã Yên Định (huyện Bắc Mê) làm 11 người thiệt mạng cùng chiếc xe 16 chỗ bị vùi lấp.