Đường nào kết nối với sân bay Long Thành?

Sân bay Long Thành đang thi công rầm rập ngày đêm. Đây là dự án trọng điểm quốc gia và nhận được sự kỳ vọng rất lớn của người dân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ thường xuyên đi kiểm tra thực tế dự án, đôn đốc thi công để dự án về đích sớm. Đó là cơ sở để chủ đầu tư khẳng định sân bay Long Thành sẽ hoàn thành giai đoạn 1 sớm trước thời hạn, cuối năm 2026 đi vào vận hành.

Điều khiến dư luận băn khoăn là: khi đưa sân bay vào khai thác thì đường kết nối có hoàn thành đồng bộ hay không, khi thông tin về con đường này đến nay còn rất mơ hồ!

Tâm điểm lớn nhất là sự kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành. TPHCM là đại đô thị hơn 10 triệu dân, là trung tâm - đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi đây thu hút rất đông khách du lịch, doanh nhân, chính khách… trong nước cũng như từ năm châu đổ về và tỏa đi khắp nơi. Hiện nay, tất cả cửa ngõ TPHCM nối với các địa phương đang hết sức chật vật, tình hình kẹt xe xảy ra cả trong những ngày bình thường. Tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết đầy “rủi ro” vì kẹt xe kéo dài và lên đến nhiều giờ nếu xảy ra tai nạn giao thông. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên dưới 7% mỗi năm, không chỉ đối với TPHCM mà cả với các tỉnh lân cận của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc lưu thông trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vậy khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác sẽ kết nối với TPHCM bằng đường nào?

Một tuyến đường nằm trong quy hoạch, được trông chờ vận chuyển khối lượng lớn là đường sắt nối Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) với sân bay Long Thành. Theo thông tin từ Bộ GTVT, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành mới ở giai đoạn tiền khả thi. Dự án sẽ trình Quốc hội thông qua vào quý 2-2025; giải phóng mặt bằng vào quý 2-2026 và quý 4 cùng năm mới khởi công, dự kiến hoàn thành khai thác thương mại vào năm 2030. Tức là sau 4 năm máy bay bay rần rần ở sân bay Long Thành, chúng ta mới có thể thấy tàu chạy trên tuyến đường sắt này.

Một tuyến đường hiện hữu trước mắt là cao tốc TPHCM - Long Thành, việc mở rộng lên 8-10 làn xe cho đến nay vẫn còn nằm trên giấy, dù các yếu tố để khởi công xây dựng có thể làm được bất cứ lúc nào. Theo dự kiến của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị đang được xem xét để làm chủ đầu tư, dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành sẽ được thực hiện đầu tư từ tháng 3-2025, hoàn thành vào tháng 12-2027. Nếu như vậy, dự án này cũng chậm chân 1 năm so với thời điểm sân bay Long Thành đi vào hoạt động. Nhưng đó chỉ mới là “dự kiến”, bởi vấn đề lớn nhất hiện nay là VEC vẫn chưa tháo gỡ được “nút thắt” về vốn chủ sở hữu.

Theo đó, trong tổng mức đầu tư dự án là 14.955 tỷ đồng, VEC cần đảm bảo vốn chủ sở hữu 5.555 tỷ đồng (37%) nhưng hiện không thực hiện được. Mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Tài chính báo cáo việc xử lý tăng vốn điều lệ của VEC; Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để đề xuất giao VEC thực hiện đầu tư dự án, đề xuất phương án đầu tư khác trong trường hợp VEC không đủ điều kiện thực hiện. Sau khi có báo cáo của các bộ, Thường trực Chính phủ sẽ xem xét quyết định việc mở rộng tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành.

Vấn đề đặt ra, tại sao phải nhất nhất là giao VEC làm đầu tư dự án mở rộng đường cao tốc TPHCM - Long Thành, trong khi đơn vị này không đáp ứng được, dẫn đến dây dưa kéo dài? Thời gian không chờ đợi. Lẽ ra Bộ GTVT phải mạnh dạn đề xuất giải pháp để việc thi công mở rộng giai đoạn 2 dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành được triển khai một cách nhanh nhất? Còn không, với tốc độ như hiện nay là quá chậm!

Sân bay Long Thành đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng mà tuyến đường kết nối không hoàn thành đồng bộ không phát huy được hiệu quả cho nền kinh tế, đó là sự lãng phí. Lãng phí chính là “giặc nội xâm” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra.

Tin cùng chuyên mục