Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, nêu rõ: Tác phẩm Đường Kách mệnh có ý nghĩa và vai trò như kim chỉ nam cho đường lối của cách mạng Việt Nam. Tinh thần xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân ra khỏi ách áp bức bóc lột của chủ nghĩa đế quốc…
Các tham luận gửi đến hội thảo đã thể hiện các góc độ tiếp cận khác nhau, nhằm khẳng định sâu sắc thêm các giá trị bền vững của tác phẩm Đường Kách mệnh, nhất là ý nghĩa của tác phẩm gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" tại Đảng bộ TPHCM…
Đường Kách mệnh định hướng cách mạng Việt Nam
“Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”. Mở đầu tham luận, Nhà giáo ưu tú - TS Trần Văn Khánh đã nhắc lại một đoạn trong tác phẩm Đường Kách mệnh và khẳng định, dù đã 90 năm nhưng luận điểm trên vẫn còn nguyên giá trị cả về lý luận lẫn thực tiễn đối với mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay.
Theo TS Trần Văn Khánh, nguyên tắc phương pháp luận đầu tiên được thể hiện qua tác phẩm vĩ đại này là quan điểm và vai trò của một hệ tư tưởng chính trị khoa học, cách mạng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Việt Nam. Luận giải về quan điểm này được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đặt câu hỏi “Cách mạng trước hết phải có cái gì?”, và cũng chính Người trả lời: “Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Cũng với cách đặt vấn đề trên, PGS-TS Huỳnh Thị Gấm (Học viện Chính trị Khu vực 2) đưa ra những luận giải mang tính tất yếu trong tác phẩm Đường Kách mệnh về định hướng cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam trong suốt 90 năm qua. Đó là Đường Kách mệnh đã lựa chọn con đường phát triển cho cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản; phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng, chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng và xây dựng Đảng; những phương cách để cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là nhân dân lao động và tạo tiền đề, gợi mở, định hướng cho việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, đoàn kết quốc tế, hội nhập quốc tế của nước ta.
Theo Thiếu tướng, PGS-TS Vũ Đức Khiển, Hiệu trưởng Trường CĐ Cảnh sát nhân dân II, giá trị của những quan điểm này có ý nghĩa to lớn đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong đó, những nội dung cơ bản về vai trò của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam; Đảng lãnh đạo cách mạng theo Chủ nghĩa Mác-Lênin; xây dựng Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ và công tác xây dựng Đảng; tính đầu tàu, gương mẫu, lời nói đi đôi với việc làm của mỗi đảng viên; đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong Đảng và giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân là những giá trị tư tưởng, mang tính định hướng cho cách mạng Việt Nam và có ý nghĩa thực tiễn đối với Đảng ta hiện nay.
“Phải chăng là các đảng cầm quyền, những người cộng sản ở Liên Xô và các nước Đông Âu tự sụp đổ, bởi vì một trong những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy cách nay 90 năm, đó là không giữ vững được quan điểm, lập trường của người Cộng sản, cơ hội chính trị, cuối cùng đi tới đầu hàng, phản bội? Phải chăng những người cầm quyền lúc đó đã để lòng ham muốn vật chất đẩy lên đến đỉnh điểm, dẫn đến suy thoái quyền lực, tham vọng quyền lực và biến tài sản quốc gia thành tài sản cá nhân của mình? Những cá nhân suy thoái trong giai cấp cầm quyền ở Liên Xô, Đông Âu đã tham lại, vơ vét tài sản quốc gia, muốn đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ nhằm thiết lập nên một chế độ mới, hợp thức hóa số tài sản khổng lồ mà họ đã chiếm đoạt. Đây là những cảnh báo hết sức nghiêm khắc với chúng ta, được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ rõ trong tác phẩm Đường Kách mệnh từ 90 năm trước”, TS Nguyễn Việt Hùng nêu vấn đề.
Nói về tư cách của người cách mệnh qua 23 biểu hiện cụ thể trong Đường Kách mệnh, theo TS Bùi Thị Ngọc Trang (Học viện Cán bộ TPHCM), nội dung nào cũng có ý nghĩa thực tiễn quan trọng đến hôm nay. Trong đó, biểu hiện “Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên cứu, xém xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng tham muốn về vật chất. Bí mật” - rất sát thực để mỗi cán bộ, đảng viên hiện nay luôn phải tự rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng. Bác đã dạy mỗi người chúng ta, muốn làm cách mạng, trước tiên phải có đạo đức của người cách mạng, người Cộng sản.
Giá trị tư tưởng trên cũng được đặt ra trong các tham luận của PGS-TS Trương Thị Hiền (nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM), Thạc sĩ Huỳnh Thị Năm (Trường Chính trị tỉnh Long An), TS Vũ Thị Mai Oanh (Học viện Cán bộ TPHCM) khi nói về đạo đức cách mạng và sự vận dụng vào thực tế những nội dung cơ bản trong tác phẩm Đường Kách mệnh khi thực hiện Chỉ thị 05 hiện nay. Trong đó, theo TS Vũ Thị Mai Oanh, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần lời căn dặn của Bác để rèn luyện đạo đức cách mạng của mình: “Tự mình không trong sáng, không gương mẫu, tự mình đã hủ hóa thì không lãnh đạo được ai, không làm nên trò trống gì. Nếu tự mình đã cần kiệm, liêm chính, không tham vọng thì bất cứ thủ đoạn nào của kẻ địch cũng không thể mua chuộc và làm mình gục ngã”.
Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Thân Thị Thư đánh giá cao chất lượng của hơn 100 bài viết, tham luận gửi đến hội thảo, đã khắc họa những tư tưởng, nội dung sâu sắc của tác phẩm Đường Kách mệnh, làm rõ được giá trị nhân văn cao cả mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc định hướng cho cách mạng Việt Nam và những người Cộng sản Việt Nam, trở thành tài sản tư tưởng vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. 90 năm đã đi qua nhưng những nội dung cơ bản về tư cách người cách mệnh trong tác phẩm giá trị này vẫn luôn là cẩm nang, ngọn hải đăng chiếu sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi.
Đồng chí THÂN THỊ THƯ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM