Đường Hồ Chí Minh đi qua 30 tỉnh, thành với điểm đầu là Pắc Bó (Cao Bằng), nối tiếp đường Trường Sơn huyền thoại đến Chơn Thành (Bình Phước) và điểm cuối là Đất Mũi (Cà Mau). Giai đoạn 2 của dự án (đường Hồ Chí Minh phía Nam) đoạn Chơn Thành - Cà Mau đang gấp rút triển khai xây dựng. Đây là tuyến đường bộ huyết mạch của quốc gia song song với quốc lộ 1A, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh ở hành lang phía Tây vùng ĐBSCL.
Mở thế liên hoàn
Theo Bộ GTVT, đây là tuyến đường xương sống, con đường huyền thoại đi suốt chiều dài của đất nước. Đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2 nối các tỉnh Tây Nguyên với vành đai trong của ĐBSCL (dự án kết nối Mê Kông). Theo quy hoạch, tuyến đường bắt đầu từ Chơn Thành (Bình Phước), qua các tỉnh: Tây Ninh - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang - Cà Mau và kết thúc tại Đất Mũi. Trên tuyến sẽ xuất hiện một số cầu, trong đó 2 cầu có quy mô lớn là cầu Cao Lãnh bắc qua sông Tiền và cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu.
Đến thời điểm này, cầu Vàm Cống và cầu Cao Lãnh đã làm lễ khởi công xây dựng. Theo đó, cầu Vàm Cống được thiết kế 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng chiều dài 2,9km (trong đó, phần cầu chính vượt sông là cầu dây văng dài 870m). Tổng mức đầu tư của dự án hơn 271 triệu USD (tương đương 5.700 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn ODA ưu đãi của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án xây dựng cầu Cao Lãnh có giá trị 145 triệu USD (tương đương 3.037 tỷ đồng) do Chính phủ Australia viện trợ không hoàn lại và vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo dự án được phê duyệt, cầu dây văng Cao Lãnh dài hơn 2.000m, nhịp chính 350m, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ.
Ngoài ra, trên tuyến còn có cầu Đầm Cùng (Cà Mau, đã hoàn thành), cầu Cái Lớn và Cái Bé (tuyến tránh Tắc Cậu) cũng vừa thông xe vào tháng 2-2014. Mặt cắt các cầu đều rộng 12m. Cầu Cái Lớn dài 681m, quy mô xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực; cầu Cái Bé dài 569m. Đây là dự án đường hành lang ven biển phía Nam kết nối với đường Hồ Chí Minh.
Hiện nay, Bộ GTVT đã đầu tư xong đoạn Đức Hòa - Thạnh Hóa (Long An) và đang triển khai đầu tư các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa, Thạnh Hóa - Mỹ An, Mỹ An - Vàm Cống và Năm Căn - Đất Mũi.
Đẩy nhanh tiến độ
Theo ông Lâm Văn Hoàng, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các dự án thành phần đang được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch được giao. Theo đó, đoạn Mỹ An - Cao Lãnh dài 26,5km, chia làm 6 gói thầu, điểm đầu dự án nối với tuyến N2 tại Mỹ An (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp), điểm cuối giao với quốc lộ 30, sẽ hoàn thành vào năm 2015; đoạn tuyến Chơn Thành - Đức Hòa đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh và Long An dài 84km gồm 20 gói thầu với tổng mức đầu tư 3.389 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10-2015.
Ngày 16-4, vừa qua, tại xã Lâm Hải, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, Bộ GTVT đã tổ chức hợp long cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn. Dự kiến, ngày 30-6 tới, dự án cơ bản được hoàn thành và thông xe kỹ thuật. Dự án có điểm đầu tại lý trình Km8+607 đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn-Đất Mũi, thuộc xã Lâm Hải, huyện Năm Căn và điểm cuối tại lý trình Km11+800 thuộc xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, với tổng chiều dài 3.390m. Trong đó, chiều dài cầu 817m và đường dẫn hai đầu cầu khoảng 2.500m. Dự án có tổng mức đầu tư trên 649 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, được khởi công ngày 29-8-2012. Đến nay, khối lượng xây dựng đạt trên 90%. Khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng sẽ có quy mô và tiêu chuẩn kỹ thuật đường cấp 3 đồng bằng với hai làn xe, tốc độ thiết kế đạt 80km/giờ.
Đây là một trong những công trình trọng điểm trong tổng thể các dự án thành phần của đường Hồ Chí Minh giai đoạn 2. Cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn nối 2 huyện Năm Căn và Ngọc Hiển (hiện là huyện duy nhất trong cả nước chưa có đường ô tô về trung tâm huyện) sẽ giữ vị trí vô cùng quan trọng, tạo ra mạng lưới giao thông hoàn chỉnh nối các vùng trọng điểm kinh tế, chính trị-xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh của toàn bộ khu vực phía Nam của Tổ quốc.
| |
HÀM LUÔNG