Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, bước sang tháng 5-2018 đã có ít nhất 10 nhà máy đường kết thúc niên vụ sản xuất 2017-2018. Theo đó, các nhà máy trong nước đã ép được khoảng 12 triệu tấn mía, sản xuất hơn 1,1 triệu tấn đường. Lượng đường tồn kho của doanh nghiệp khoảng 680.000 tấn (hơn ½ sản lượng sản xuất ra), tăng gấp đôi so với cách đây 2 tháng.
Giá thu mua mía nguyên liệu giữa các vùng có sự chêch lệch khá cao như mua tại ruộng: Bến Tre 800 đồng/kg, Sóc Trăng, Trà Vinh 820 đồng/kg, trong khi đó giá bán ở các tỉnh phía Bắc tại Lam Sơn, Nông Cống là 1.150 đồng/kg.
Trong khi đó, giá đường bán buôn trên thị trường đang ở mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Cụ thể đường kính trắng dao động từ 10.200- 11.800 đồng/kg, giá đường tinh luyện 13.500-14.700 đồng/kg.
Với mức giá này gần như tiệm cận với giá thành sản xuất, các nhà máy đường khó đạt lợi nhuận cao. Giá đường nhập lậu của Thái Lan chỉ dao động từ 10.500-10.800 đồng/kg làm cho đầu ra của đường nội địa thêm khó khăn.
Tại ĐBSCL, trong vài năm qua đã có 3 nhà máy đóng cửa, phá sản do thua lỗ và không cạnh tranh được.
Trong bối cảnh gia nhập “sân chơi quốc tế” thì doanh nghiệp và nông dân sản xuất ra cây mía – hạt đường có giá thành thấp, chất lượng cao mới có thể cạnh tranh và trụ lại được.
Ngày 11-5, một lãnh đạo của Công ty Mía đường Cần Thơ (CASUCO) cho rằng, nhà nước cần có cơ chế, chính sách phù hợp ngang bằng với các nước trong khối ASEAN thì nông dân trồng mía mới đứng vững trong hội nhập.
Các chính sách đó bao gồm: Quy hoạch vùng mía nguyên liệu cho phù hợp với tình hình hội nhập hiện nay, đặc biệt là vấn để giao thông và thủy lợi nội đồng, giúp nông dân có thể giảm được chi phí sản xuất và thu hoạch mía. Hỗ trợ cụ thể để giúp nông dân trồng mía có thể thực hiện được việc dồn điền đổi thửa - hình thành các cánh đồng mía lớn, hợp tác xã sản xuất lớn nhằm áp dụng được cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch.