Như Báo SGGP đã phản ánh, con đường liên huyện Đắk Đoa - Chư Prông (tỉnh Gia Lai) được xem như là con đường tránh TP Pleiku (tỉnh Gia Lai).
Để làm rõ vấn đề, PV Báo SGGP đã có buổi làm việc với ông Phạm Xuân Điệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Gia Lai (thuộc UBND tỉnh Gia Lai), đơn vị chủ đầu tư con đường.
Ông Điệp cho biết, đường có 2 đoạn tuyến, trong đó mặt đường rộng 7m, nền đường rộng từ 7,5m đến 9m.
Đường dài 21,8km, được thi công vào năm 2016, đến tháng 2-2018 thì được nghiệm thu, bàn giao và đưa vào sử dụng. Thời gian bảo hành 12 tháng, tức đến tháng 2-2019 mới hết hạn bảo hành. Kinh phí đầu tư 95 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Tại buổi làm việc, ông Điệp cho biết, đã nắm được thông tin tuyến đường bị hư hỏng. Sự việc được phát hiện vào khoảng tháng 6 và tháng 7-2018 khi thời điểm này mưa kéo dài. Lúc phát hiện, Ban đã đi kiểm tra và xác định có khoảng 400m2 đường bị hư hỏng nằm trải dài. Còn bây giờ diện tích bị hư có thể “lan rộng thêm”.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, diện tích đường hư hỏng nhiều hơn con số mà Ban nêu rất nhiều vì ngoài các điểm đường hư đã được đánh dấu còn vô số những vết hỏng còn chưa được đánh dấu khác.
“Khen” hệ thống thoát nước của đường được làm tốt nhưng khi đánh giá về nguyên nhân làm hư đường, ông Điệp lại cho rằng nguyên nhân đầu tiên làm đường hư hỏng là do mưa làm nước thấm trong thời gian dài gây ảnh hưởng. Nguyên nhân thứ hai là do xe quá khổ, quá tải.
Dù xác định nguyên nhân đường hư một phần do xe quá tải nhưng ông Điệp lại thừa nhận đến nay, đơn vị chưa cắm biển cảnh báo tải trọng trên đường và Ban cũng không báo tình trạng xe quá tải cho thanh tra giao thông và cảnh sát giao thông biết để ngăn chặn.
“Nguyên nhân hư hỏng do mưa nhiều và xe quá tải này là do ban đi kiểm tra và xác định ban đầu là như thế chứ ngành chức năng chưa thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá toàn diện nguyên nhân. Vụ việc đường hư hỏng thì đơn vị chưa báo UBND tỉnh vì còn trong thời gian bảo hành của nhà thầu”, ông Điệp nói.
Trả lời về việc đường trong thời gian bảo hành mà hư hỏng thì trách nhiệm thuộc về ai, ông Điệp khẳng định: “Vị trí hư hỏng đều thuộc đoạn đường thi công của cả 2 nhà thầu. Trong thời gian bảo hành, đường hư thì đương nhiên trách nhiệm thuộc về 2 nhà thầu này và nhà thầu phải sửa chữa. Kinh phí sửa chữa thì nhà thầu phải tự bỏ tiền. Hiện Ban vẫn giữ lại 15% tiền bảo hành của 2 nhà thầu xây dựng”.
Ông Điệp cũng thừa nhận, ban đầu đường được thiết kế làm bê tông nhựa với kinh phí khoảng 250 tỷ đồng. Sau đó do không có kinh phí thì chuyển qua làm láng nhựa. Nếu làm bê tông nhựa thì trong 10 năm đường… không có vấn đề gì. Còn đối với làm láng nhựa thì với lượng xe quá khổ quá tải như hiện nay thì cũng lường trước sử dụng một thời gian cũng sẽ hư nên cũng tính đến việc sử dụng 1, 2 năm là có kế hoạch trình xin trải thêm một lớp bê tông nhựa lên mặt đường.
Trước đó, như Báo SGGP đã phản ánh, tuyến đường liên huyện Đắk Đoa- Chư Prông còn trong thời gian bảo hành nhưng mặt đường bị tan nát. Vị trí hư hỏng nằm trải dài qua các xã Ia Băng, A Dơk (huyện Đắk Đoa) làm ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và đi lại của dân cũng như gây mất an toàn giao thông khiến người dân vô cùng bức xúc.