Cuộc đua khốc liệt
Liên hoan phim (LHP) Cannes 2019 đã chính thức khai mạc vào ngày 14-5. Riêng tại hạng mục được mong đợi nhất - Cành cọ vàng, sau nhiều lần tăng giảm, thay đổi, cuối cùng danh sách tranh giải có 21 ứng viên, chất lượng được đánh giá khá đồng đều.
Hồi tháng 4, Thierry Frémaux, Giám đốc LHP Cannes, trong buổi họp báo đã công bố thông tin năm nay rất tiếc khi vắng mặt một tên tuổi lớn: Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn Quentin Tarantino không thể tham dự vì không kịp hoàn thành hậu kỳ. Thật đáng tiếc khi phim quy tụ dàn diễn viên đình đám: Leonardo DiCaprio, Brad Pitt, Margot Robbie và Al Pacino. Nhưng sau đó vài ngày, theo chia sẻ của Frémaux, với nỗ lực “không rời phòng dựng trong 4 tháng” của Tarantino, bộ phim kịp hoàn thành để tranh giải Cành cọ vàng. Từng nhận danh hiệu cao quý này năm 1994 với Pulp Fiction, sự tham gia của Tarantino góp phần tạo nên cuộc đua sôi động. Trong số 21 phim dự tranh Cành cọ vàng năm nay, The Dead Don’t Die được chọn công chiếu mở màn. Đây là câu chuyện về sự trỗi dậy bất ngờ của những thây ma, khiến sự sinh tồn của thị trấn nhỏ yên bình có thể bị đẩy vào ngõ cụt.
Cuộc đua còn nóng hơn với các tên tuổi lớn khác như: Ken Loach với Sorry We Missed You, đạo diễn người Tây Ban Nha - Pedro Almodóvar với Pain and Glory; Anh em Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne với tác phẩm tâm lý cực đoan The Young Ahmed… Sẽ không thể không nhắc đến A Hidden Life - bộ phim về thời kỳ chiến tranh phát xít của đạo diễn Terrence Malick. Đạo diễn 79 tuổi Marco Bellocchio cũng trở lại Cannes với The Traitor về thế giới tội phạm mafia. Bên cạnh những gương mặt gạo cội, những cái tên còn rất trẻ như Xavier Dolan, Matthias & Maxime cũng góp phần làm nên điều thú vị.
Tại Cannes năm nay, điện ảnh châu Á không còn áp đảo về số lượng, chỉ có 2 bộ phim tham gia tranh giải (so với 8 tác phẩm của năm 2018). Nhưng cả Parasite của Boong Joon Ho (Hàn Quốc) hay The Wild Goose Lake của Diao Yinan (Trung Quốc) đều nhận được đánh giá khá cao từ giới chuyên môn.
Nỗ lực vì bình đẳng giới
Năm nay, Cannes tiếp tục gây chú ý bằng câu chuyện nữ quyền. Sau khi Frémaux ký cam kết vào năm 2018 về việc cải thiện vấn đề bình đẳng giới, Cannes 2019 có 4/21 phim thuộc về các đạo diễn nữ tranh Cành cọ vàng gồm: Portrait of a Young Lady on Fire (Celine Sciamma), Atlantiques (Mati Diop), Sibyl (Justine Triet) và Little Joe (Jessica Hausner).
Trong buổi họp báo ngay trước thềm khai mạc LHP năm nay, Frémaux đã nói rất dài, đặc biệt về những bước tiến của sự kiện này liên quan đến bình đẳng giới. Tại Cannes 2019, lần đầu tiên 50% ủy ban tuyển chọn là nữ; 1.845 tác phẩm từ 39 quốc gia và 26% do phụ nữ làm đạo diễn. Trong số 69 tác phẩm được lựa chọn tranh giải các hạng mục chính, gồm cả phim truyện và phim ngắn, có 19 phim do phụ nữ làm đạo diễn, tương đương 27,5%.
Fremaux cho biết, Cannes bị chỉ trích bởi nó đang thực hiện theo cách mà các sự kiện khác không làm. “Cannes được yêu cầu phải hoàn hảo và hoàn hảo. Không ai yêu cầu chúng tôi có 50% phim do phụ nữ làm. Điều đó sẽ cho thấy sự thiếu tôn trọng”, ông chia sẻ. Ông cũng khẳng định, tất cả những bộ phim được lựa chọn chính thức của các nhà làm phim nữ đều xứng đáng chứ không phải từ áp lực do bản điều lệ đã ký.
Lần đầu tiên tại Cannes có dịch vụ bảo mẫu với tên gọi Le Ballon Rouge, gồm: cung cấp xe đẩy, trông trẻ suốt sự kiện hoặc chỉ cần cho bé uống sữa… Đồng thời, đường dây nóng để bảo vệ việc quấy rối tình dục vẫn được duy trì. Tuy nhiên, việc Cannes năm nay tôn vinh nam diễn viên kỳ cựu người Pháp - Alain Delon cũng dấy lên sự phẫn nộ nhất định. Bởi theo tổ chức nữ quyền Pháp Osez le féminisme, Cannes “đang gửi tín hiệu tiêu cực đến phụ nữ và nạn nhân của bạo lực bằng cách tôn vinh Delon, mặc dù anh ta thừa nhận đã tát phụ nữ”.
Sở dĩ câu chuyện bình đẳng giới luôn nóng tại Cannes là bởi, cho đến nay chỉ có duy nhất một phim của đạo diễn nữ giành giải Cành cọ vàng - Jane Campion, năm 1993 cho The Piano. Tại Cannes 2018, 82 ngôi sao nữ đã cùng xuất hiện trên thảm đỏ, phát đi tiếng nói về nhân quyền và vấn đề lạm dụng tình dục.