Nhiều điểm đen giao thông quanh các KCN
Tại Bình Dương, người dân có thể kể vanh vách các cung đường tử thần mà họ thường xuyên chứng kiến trên đường đi làm, như: vòng xoay An Phú (thị xã Thuận An), ngã tư 550, ngã tư Bình Thung (thị xã Dĩ An), ngã tư Gò Đậu, khu vực cầu vượt Sóng Thần; nhiều ngã ba, ngã tư tiếp giáp với KCN VSIP 1 trên đường Nguyễn Du (phường Bình Hòa, thị xã Thuận An)…
Đây là các điểm tiếp giáp nhiều KCN như: Đồng An, Sóng Thần, Việt Hương, VSIP, đặc biệt giáp với cảng Logistics IDC (thị xã Dĩ An). Nhiều bãi xuống hàng, cho thuê container với hàng ngàn lượt xe đầu kéo ra vào mỗi ngày, cày nát đường sá và đáng sợ là tai nạn giao thông luôn rình rập. Đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra làm chết nhiều người.
Các điểm - nút giao thông phức tạp thường gắn với khu dân cư, buôn bán tự phát của người dân, lấn chiếm lòng lề đường. Đây cũng là điểm ra vào các KCN, vào giờ cao điểm thường tập trung rất đông người và xe di chuyển, gây nên cảnh ùn tắc, lộn xộn. Đặc biệt, các điểm này nằm trên các tuyến đường có lượng xe tải, container lưu thông dày đặc, với tình trạng lái xe hay phóng nhanh, vượt ẩu, thậm chí vượt đèn đỏ, dẫn đến nguy cơ cao gây ra tai nạn giao thông cho người tham gia giao thông, nhất là công nhân.
Theo số liệu của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 266 vụ tai nạn giao thông làm chết 210 người và bị thương 152 người. Nhiều nhất là tại TP Biên Hòa, xảy ra 110 vụ tai nạn, làm chết 68 người, 75 người bị thương. Vụ mới nhất xảy ra vào ngày 19-11, xe ben mang BKS: 60C-146.30 chạy trên quốc lộ 51 hướng từ Đồng Nai về Bà Rịa - Vũng Tàu, khi đến nút giao với đường Nam Cao (ấp Tân Mai, phường Phước Tân, TP Biên Hòa) thì xảy ra va chạm với với xe máy BKS: 67B1-159.82 do chị P.N.H (42 tuổi, quê An Giang) là công nhân đang trên đường đến nhà máy làm việc, khiến chị này tử vong tại chỗ.
Hiện trên địa bàn TP Biên Hòa vẫn còn những nút giao thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, chủ yếu tập trung quanh các KCN; cụ thể, trên đường Bùi Văn Hòa đoạn rẽ vào KCN Loteco và KCN Biên Hòa 2. Nguy hiểm nhất khi xe máy phải len lỏi giữa dòng xe tải, container đông đúc trong khi mặt đường dốc và hẹp, lưu lượng xe đông nên rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Có thể kể thêm nút giao ngã ba Phát Triển (đường vào Nhà máy nước Thiện Tân), ngã tư Vũng Tàu, ngã ba Bến Gỗ, ngã ba Cầu Đen… (những nơi này tiếp giáp với các KCN Biên Hòa 1, 2; KCN Tam Phước) cũng có tình hình giao thông rất phức tạp.
Cấm xe trọng tải lớn lưu thông vào giờ cao điểm
Tại TP Biên Hòa, người dân đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan chức năng cần phải có biện pháp cấm lưu thông vào giờ cao điểm đối với các loại xe ben, xe trọng tải lớn để tránh những vụ tai nạn chết người như thời gian vừa qua. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn giẫm chân tại chỗ. Trong khi, biện pháp này rất khả thi, có thể nghiên cứu áp dụng cho nhiều địa phương khác trong và ngoài tỉnh Đồng Nai, nhất là các khu vực tập trung nhiều KCN có đông công nhân, người lao động tham gia giao thông vào giờ đi làm, giờ tan tầm.
Một giải pháp có tính căn cơ nữa là cần đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cầu vượt, cải tạo nút giao trên những con đường chính nằm gần các KCN. UBND tỉnh Bình Dương đã có chủ trương cho triển khai đầu tư thi công xây dựng trước 2 hạng mục cầu vượt tại ngã 6 An Phú và ngã tư 550 thuộc dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng ĐT.743 đoạn từ ngã tư miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần.
Tỉnh cũng đã thống nhất chủ trương triển khai đền bù, thi công trước cầu vượt tại ngã 6 An Phú và cầu vượt tại ngã tư 550, nhưng hiện vẫn chưa thấy chuyển động. Bên cạnh đó, dự án mở rộng đường quốc lộ 13, đoạn đi qua thị xã Thuận An từ 6 lên 8 làn xe với chi phí ước tính lên tới gần 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng), cũng chưa được triển khai.
Ngoài ra, đối với các đoạn đường gần cổng ra vào các KCN cũng cần xây dựng cầu vượt, tạo hành lang an toàn cho người đi bộ, không để cảnh công nhân giờ tan tầm túa ra đường làm tăng nguy cơ va chạm giao thông.