Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”. Theo định hướng đó, trong tương lai gần, các ngành công nghiệp văn hóa sẽ giữ một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam; giúp chúng ta chủ động hội nhập quốc tế, giao thoa với văn hóa khu vực và thế giới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, chống văn hóa lai căng và sự “xâm lăng mềm” về văn hóa...
Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực châu Á cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp văn hóa hàng năm cao hơn 2 lần so với ngành công nghiệp dịch vụ và gấp 4 lần so với lĩnh vực sản xuất; được định vị như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh tổng thể, thúc đẩy sự đổi mới, cũng như tạo sự cân bằng, đa dạng hơn cho nền kinh tế. Các tổ chức, doanh nghiệp văn hóa đã và đang đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông qua tăng cường sự tích hợp giữa văn hóa - nghệ thuật với kinh doanh và công nghệ.
Để chạm đến nền công nghiệp giải trí chuyên nghiệp, các chuyên gia quốc tế và trong nước đều chung nhận định rằng, chúng ta có những điểm sáng trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng vẫn đang dừng ở mức tiểu thủ công nghiệp. Một số lĩnh vực văn hóa vẫn chưa được gọi là những ngành công nghiệp đúng nghĩa, chúng ta vẫn xem các sáng tác là tác phẩm nghệ thuật đơn thuần mà không quan tâm quá trình vận hành của một sản phẩm nghệ thuật chuyên nghiệp. Tại TPHCM, những năm qua, văn học nghệ thuật thành phố đã cố gắng vươn lên tầm quốc tế với các sản phẩm điện ảnh, âm nhạc, biểu diễn giải trí…, đã được thế giới ghi nhận nhưng con số còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, đối ngoại và đặc biệt là mảng văn học gần như hoàn toàn vắng bóng trên văn đàn quốc tế.
Theo thống kê từ năm 2019, các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đóng góp khoảng 3,61% GDP. Từ đó đến nay, hầu như không có con số thống kê chính thức mới về sự đóng góp của công nghiệp văn hóa, một phần do đại dịch Covid-19, nhưng chủ yếu vẫn là còn quá nhiều điểm nghẽn trong việc phát triển công nghiệp văn hóa trong nước. Khi đời sống kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống tinh thần sẽ càng được đề cao. Thử đặt ra vài câu hỏi: Thanh niên hiện nay làm gì sau giờ học, giờ lao động? Cả công nhân, cả nông dân, trí thức, họ giải trí ra sao? Tại sao lại để phim Trung Quốc, Hàn Quốc tràn ngập màn ảnh rộng và truyền hình của ta?... Đủ để thấy đường dài cho phát triển công nghiệp văn hóa phải tính từ hôm nay, bởi nhu cầu thụ hưởng giá trị tinh thần của người dân ngày càng cao.
TPHCM có tiềm năng sáng tạo lớn trong công nghiệp văn hóa, nhưng trước hết cần thay đổi nhận thức xã hội về các ngành công nghiệp văn hóa; coi trọng vấn đề thị trường, khán giả, bản quyền, kỹ năng kinh doanh, xây dựng thương hiệu, phối hợp giữa các lĩnh vực…, nhằm khơi thông dòng chảy văn hóa nghệ thuật. Để xây dựng một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, chính tác giả phải ý thức sáng tạo tác phẩm không chỉ có chất lượng nghệ thuật cao, có tính nhân văn sâu sắc mà còn đáp ứng nhu cầu của người thụ hưởng hay nói cách khác là nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, các tác phẩm sau khi ra đời phải được bảo vệ, phản biện tích cực, để chúng được tiếp cận thị trường hiệu quả. Đặc biệt, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM cho phép thành phố mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức công tư (PPP) đối với các dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa. Đây là cơ sở động lực lớn, được các chuyên gia, người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật kỳ vọng, để từng bước bắt đầu cho đường dài chuyên nghiệp, nâng tầm và vươn tầm công nghiệp văn hóa tại đô thị sôi động nhất cả nước.