Đường cao tốc qua miền Tây tăng tốc

ĐBSCL đang bước vào giai đoạn phát triển đột phá về hạ tầng giao thông với hàng loạt dự án đường cao tốc đã, đang và sẽ được triển khai. Trong hơn 20 năm qua, kể từ khi tuyến cao tốc đầu tiên của vùng là TPHCM - Trung Lương được khởi công vào cuối năm 2004, đến nay toàn vùng mới có gần 120km đường cao tốc được đưa vào sử dụng.

Một thời gian dài, miền Tây “khát đường giao thông”, thì trong vòng 2 năm tới, dự kiến sẽ có thêm 207km đường cao tốc được hoàn thành. Bức tranh hạ tầng giao thông của miền Tây đang thay đổi nhanh chóng. Đường cao tốc đang tăng tốc, thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các địa phương trong vùng đưa ĐBSCL thoát khỏi “vùng trũng giao thông”.

Sau khi tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương dài 41km được khánh thành vào năm 2009, phải mất hơn một thập kỷ sau, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51km mới được hoàn thành vào năm 2022. Tiếp đó, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài 23km chạy qua cầu Mỹ Thuận 2 thông xe vào cuối năm 2023, giúp rút ngắn hành trình từ TPHCM về Cần Thơ còn khoảng hơn 2 giờ.

Đến đầu năm 2024, toàn vùng có khoảng 115km đường cao tốc đang vận hành và dự kiến đến cuối năm 2025, tổng chiều dài cao tốc sẽ đạt 327km, khi các tuyến trọng điểm như Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ An - Cao Lãnh, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi lần lượt hoàn thành.

Mục tiêu đặt ra là trong năm 2025, toàn vùng sẽ có khoảng 600km đường cao tốc được đưa vào khai thác, và đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên khoảng 1.200km, tạo mạng lưới giao thông kết nối toàn diện trong khu vực. Từ sau năm 2030, ĐBSCL sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới là cao tốc Cà Mau - Đất Mũi và Hồng Ngự - Trà Vinh. Các tuyến này sẽ là trụ cột cho phát triển kinh tế biển, ven biển, tạo ra không gian phát triển mới rộng lớn hơn cho vùng ĐBSCL.

Hiện tại, tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài hơn 110km đã đạt hơn 56% tiến độ sau 2 năm thi công. Còn tuyến cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi được đầu tư nâng cấp, mở rộng giai đoạn 2 dài hơn 51km dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2025. Tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh dài hơn 26km, kết nối đường N2 với đầu cầu Cao Lãnh - Đồng Tháp. Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài 188km và tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 175km dự kiến khởi công vào năm 2026, kết nối các tỉnh miền Tây với nước bạn Campuchia. Đây sẽ là 2 tuyến cao tốc dài nhất vùng ĐBSCL.

Sự phát triển mạng lưới đường cao tốc qua miền Tây không chỉ làm thay đổi bức tranh giao thông vùng, tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng với TPHCM và các tỉnh miền Đông Nam bộ, mà còn tạo ra động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ĐBSCL. Mạng lưới đường cao tốc đã, đang và sẽ giúp tăng cường thu hút đầu tư, giảm chi phí logistics và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thủy sản.

Việc rút ngắn thời gian di chuyển cũng góp phần thúc đẩy du lịch, giúp du khách dễ dàng tiếp cận các điểm đến hấp dẫn của miền Tây. Một khi giao thông được cải thiện, các ngành kinh tế khác sẽ có cơ hội bứt phá, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho vùng đất giàu tiềm năng này.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, quá trình triển khai các dự án đường cao tốc tại ĐBSCL vẫn gặp không ít thách thức. Những bài học từ sự chậm trễ trong việc triển khai dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận kéo dài 13 năm do thay đổi nhà đầu tư và thiếu vốn, hay tuyến Bến Lức - Long Thành bị đình trệ nhiều năm vì vướng mắc tài chính, cho thấy việc triển khai không chỉ phụ thuộc vào quyết tâm chính trị mà còn đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn, giải phóng mặt bằng và cơ chế thực hiện.

Để đảm bảo tiến độ, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong huy động vốn, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản lý. Đặc biệt, việc huy động, bố trí nguồn lực đầu tư và phân công, phân cấp giữa bộ, ngành Trung ương và địa phương là bài học thực tiễn cần được quán triệt thời gian tới.

Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng cần được thực hiện nhanh chóng, minh bạch, có cơ chế hỗ trợ hợp lý để người dân đồng thuận. Một yếu tố quan trọng khác là giám sát chặt chẽ tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng đội vốn và kéo dài thời gian hoàn thành.

Tin cùng chuyên mục