Đường cao tốc đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước): Cần làm rõ việc bố trí nguồn vốn

Chiều 17-4, tại phiên họp 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo quy hoạch, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 41 tuyến với tổng chiều dài khoảng 9.014km.

Cả nước hiện đã đưa vào khai thác khoảng 1.892km đường cao tốc, đang xây dựng 1.600km, đang chuẩn bị đầu tư khoảng 1.267km. Trong đó tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

Đường bộ cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây. Đây là trục giao thông quan trọng, kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và TPHCM.

NGUYỄN VĂN THẮNG.jpeg
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng

“Đầu tư cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, tạo không gian phát triển mới, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực vùng Đông Nam bộ và Tây Nguyên. Bộ Chính trị đã có nghị quyết định hướng đầu tư cao tốc này”, Bộ trưởng cho biết.

Theo quy hoạch, cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có quy mô 6 làn xe. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với chiều dài khoảng 128,8km (đi qua địa phận tỉnh Đắk Nông 27,8 km, qua địa phận tỉnh Bình Phước 101km), quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, giải phóng mặt bằng một lần 6 làn xe. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án này khoảng 25.540 tỷ đồng, gồm 12.770 tỷ đồng vốn Nhà nước và 12.770 tỷ đồng vốn do nhà đầu tư thu xếp.

cao toc chon thanh dak nong.jpeg
Bản đồ hướng tuyến dự án cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước)

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết đầu tư dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, song đề nghị phân tích rõ hơn các chi phí thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt chi phí liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng và đất lúa của dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, trong cơ quan thẩm tra có ý kiến cho rằng đề xuất bố trí 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025 là “không khả thi”.

QC.jpeg
Quang cảnh phiên họp

Theo quy định của Luật Đầu tư công năm 2019, số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 chỉ được thực hiện đến ngày 31-1-2026. Dự án dự kiến đến hết năm 2026 mới hoàn thành. “Đề nghị Chính phủ giải trình làm rõ việc bố trí nguồn vốn để thực hiện dự án trong năm 2026”, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế phát biểu.

Bên cạnh đó, phần vốn do nhà đầu tư thu xếp chiếm 50% sơ bộ tổng mức đầu tư dự án. Chính phủ cần thống nhất chặt chẽ với nhà đầu tư quan tâm trong việc thu xếp vốn cho dự án, tránh phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư sang đầu tư công.

Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, dự án có ý nghĩa quan trọng. Trước đây dự án được các đại biểu Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định sự cần thiết và bày tỏ ủng hộ về mặt chủ trương đầu tư dự án này bởi dự án có ý nghĩa chiến lược giúp kết nối khu vực Tây Nguyên với Đông Nam bộ, tạo điều kiện phát triển cho các địa phương trong khu vực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều mong muốn dự án được trình sớm hơn. Tuy nhiên, để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm các yêu cầu đề ra nên đến nay các cơ quan mới hoàn thiện hồ sơ để trình.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, bổ sung báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước để hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục