Gấp rút làm việc ngày đêm
Để ghi nhận tiến độ công trình, chúng tôi đi xuyên suốt tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km từ nút giao kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại Km43+125 (địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) đến nút giao Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận). Suốt tuyến có 6 nút giao, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc và 47 cầu vượt ngang tuyến) đã hoàn thành. Toàn bộ mặt đường đã thảm nhựa tạo nhám láng bóng, dải phân cách ở giữa đã hoàn chỉnh. Nhiều đoạn tài xế chạy tốc độ 110km/giờ nhưng khá êm ái, ít tiếng ồn. Tuy nhiên, dọc tuyến vẫn còn nhiều đoạn công nhân đang tất bật lắp đặt, cân chỉnh lan can, rào chắn, biển báo, khe co giãn các cầu và đổ bê tông chống sạt lở taluy…
Anh Nguyễn Anh Phương, công nhân đang thi công lắp đặt lan can, rào chắn đoạn giáp ranh giữa tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Thuận, cho biết, để có được tiến độ sắp về đích như hôm nay, anh em công nhân chia nhau làm ngày làm đêm, thời gian nghỉ cũng là lúc ăn cơm ngay tại công trường. Theo anh Phương, chủ thầu giao khoán hoàn thành các hạng mục trước ngày 30-4, nên anh em công nhân phải tranh thủ mới kịp. Là chỉ huy giám sát thi công lắp đặt lan can, hệ thống chiếu sáng, anh Nguyễn Lê Anh Vũ thông tin, hiện các hạng mục này đã cơ bản hoàn thành vượt tiến độ vài ngày so với kế hoạch…
Tại gói thầu XL02 đoạn qua huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận), chỉ huy trưởng thi công gói thầu thuộc Tập đoàn Cienco 4 Trần Văn Sơn cho biết, các cầu vượt ngang trên tuyến đã thi công xong, tuyến chính đã hoàn thiện thảm bê tông nhựa tạo nhám và các khe co giãn các cầu. Hiện, các đơn vị thi công kiểm tra các hạng mục an toàn giao thông, chờ ngày thông xe.
Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Phạm Hùng Thái khẳng định, tuyến chính và toàn bộ nút giao đảm bảo sẽ đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2023. Nhằm đảm bảo tiến độ, ban điều hành đã yêu cầu các nhà thầu tăng cường nhân lực làm việc ngày đêm suốt nhiều tháng qua để hoàn thành dự án như đã cam kết. Các nhà thầu thường xuyên kiểm tra, rà soát từng phần việc, từng hạng mục thi công 24/24 giờ.
Công tác thảm bê tông nhựa tạo nhám, lắp đặt khe co giãn các cầu trên tuyến chính, hệ thống biển báo, sơn kẻ đường, dải phân cách, chống chói, rào bảo vệ hành lang tuyến, rãnh thoát nước, đổ bê tông kè chống sạt lở đã hoàn thành. Đối với các đường dẫn nút giao, đầu cầu vượt ngang, đường dân sinh chưa thể hoàn thành, các đơn vị quản lý dự án sẽ phối hợp với địa phương về phương án tổ chức giao thông đảm bảo an toàn và không cản trở việc đi lại của người dân.
Động lực tăng trưởng cho khu vực
Về lộ trình di chuyển từ TPHCM đi đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Giám đốc Ban quản lý dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây Phạm Hùng Thái thông tin, phương tiện từ TPHCM đến nút giao An Phú, TP Thủ Đức (TPHCM) vào đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, qua khỏi nút giao quốc lộ 51 và cả trạm dừng chân trên tuyến này, đến Km43 sẽ gặp nút giao đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, rẽ phải vào đường nhánh để bắt đầu đi vào đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Từ đây chạy một mạch 99km đến cuối tuyến. Ở cuối tuyến sẽ gặp nút giao với một tuyến đường dẫn về xã Hàm Thạnh, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, đi thêm 2,6km ra quốc lộ 1A. Từ điểm giao giữa đường huyện với quốc lộ 1A, rẽ trái chạy thêm 14km là ra đến trung tâm TP Phan Thiết.
Dọc tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có nhiều nút giao khá lớn với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đầu tiên là nút giao với quốc lộ 56 sau khi vào đường cao tốc khoảng 10km. Nếu rẽ phải theo quốc lộ 56 sẽ đi về hướng huyện Châu Đức (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu); còn rẽ trái theo hướng quốc lộ 56 sẽ về TP Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Tiếp tục chạy trên đường cao tốc sẽ gặp nút giao với tỉnh lộ 765 đi qua xã Suối Cát ra quốc lộ 1A, chạy khoảng 5km sẽ đến Khu du lịch núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) hoặc theo tỉnh lộ 766 đi các huyện Đức Linh, Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Nhìn chung, việc bố trí các nút giao đều đảm bảo sự kết nối và vận hành thông suốt của tuyến đường cao tốc.
Tỉnh Bình Thuận là một trong những địa phương được hưởng lợi rất lớn từ tuyến đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết. Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An bày tỏ, đây là tuyến giao thông huyết mạch được ngân sách nhà nước đầu tư lớn nhất ở địa phương trong suốt hơn 46 năm qua, sẽ là “cú hích” cho phát triển giao thông các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ. Trong kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của tỉnh Bình Thuận, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vốn được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bình Thuận.
“Từ đường cao tốc Bắc - Nam, các đoạn đi qua Bình Thuận, sân bay Phan Thiết, đường ven biển quốc gia cho đến các trục đường kết nối các trung tâm du lịch trọng điểm của tỉnh đã và đang mở dần “nút thắt” hạ tầng giao thông phục vụ phát triển. Không chỉ riêng du lịch Bình Thuận hưởng lợi mà tam giác phát triển du lịch TPHCM - Lâm Đồng - Đồng Nai cũng tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch mang tính liên kết vùng”, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận Dương Văn An cho hay.