Thời gian qua, do tác động của đại dịch Covid-19 làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhiều nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL ngưng hoạt động, người nuôi treo ao, vùng nuôi bị thu hẹp… Khi các thị trường tiêu thụ cá tra trên thế giới được phục hồi từ cuối năm 2021, nhiều đơn hàng xuất khẩu tăng, đẩy giá cá tra nguyên liệu tăng cao như một hấp lực khó cưỡng, khiến người nuôi cá toan tính mở rộng diện tích, mặc dù không ít ý kiến cảnh báo thận trọng không tăng nuôi theo thời giá. Liệu những trò chơi may rủi “đánh bạc trên ao cá”, chạy theo giá dẫn tới những hệ lụy có tiếp tục tái diễn.
Nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của nghề nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL đã tạo ra kỳ tích. Loài cá này đã “bơi” đến khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, có lúc chiếm hơn 90% thị phần cá tra xuất khẩu toàn cầu, đưa Việt Nam lên đứng đầu thế giới. Ngành kinh tế cá tra có lúc đóng góp khoảng 2% GDP quốc gia, tạo việc làm cho rất nhiều công nhân, người nuôi và lao động phụ trợ.
Nhưng đằng sau ánh hào quang “vượt vũ môn” của cá tra là cảnh lâm nợ, khốn đốn của nhiều người nuôi và doanh nghiệp. Các trường hợp thua lỗ khi giá xuống thấp, thiếu vốn; “hiệu ứng đôminô” lây lan, người nuôi cá, doanh nghiệp, ngân hàng nợ nần dây chuyền, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Nghiên cứu thị trường không kỹ và không am hiểu đầy đủ luật pháp của các nước nhập khẩu, chỉ cần một đơn hàng chậm thanh toán hoặc bị hủy thì doanh nghiệp gặp điêu đứng. Những yếu kém của chuỗi liên kết giá trị cá tra khi người nuôi chạy theo giá, quên bài học căn bản của mối quan hệ cung cầu đã được nhận diện trong những năm qua. Có nhiều giải pháp được thực thi, từ tăng cường quản lý nhà nước, quy hoạch vùng nuôi, nhà máy chế biến đến tiếp cận cho vay vốn theo chuỗi… Xem ra “căn bệnh” của ngành cá tra dù được chẩn đoán, bốc thuốc, nhưng dùng thuốc chưa đủ liều.
Phân khúc cá tra nào của chúng ta? Chuỗi giá trị con cá tra không chỉ nằm ở công đoạn nuôi, chế biến và xuất khẩu khỏi biên giới quốc gia, mà còn một phân khúc rất lớn từ “đầu vào” - thức ăn và “đầu ra” mà nhà nhập khẩu đang nắm giữ. Dư địa gia tăng giá trị từ cá tra còn nhiều. Chỉ riêng lượng bùn thải từ các ao nuôi cá tra hiện nay làm ô nhiễm môi trường cũng có thể biến thành tiền khi nó được tận dụng làm nguyên liệu chế biến phân sinh học. Ngoài thị trường xuất khẩu, tiêu dùng nội địa gần 100 triệu dân Việt với đòi hỏi những sản phẩm đa dạng, phù hợp thị hiếu, ẩm thực… còn là một dư địa lớn chưa được khai thác.
Cần xem giá cá tra tăng cao hiện nay như một chỉ dấu để nhận diện thị trường, chứ không phải là mục tiêu để tổ chức sản xuất. Nó vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Thay vì chỉ hướng đến việc tăng diện tích nuôi cá, thì cần quan tâm đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ hậu cần logistics, giá trị thương hiệu, công nghệ chế biến sâu, để nâng cao chuỗi giá trị cá tra bằng các sản phẩm mới. Các loại dầu ăn, collagen, thực phẩm chức năng, dược liệu và nhiều sản phẩm sáng tạo khác cần được thay thế nhiều hơn là những miếng phi lê cá tra đơn điệu. Điều đó đòi hỏi cần hỗ trợ, khuyến khích, đầu tư mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra nhiều phân khúc giá trị từ cá tra. Cùng với việc tận dụng lợi thế nông sản được chắp cánh bởi các hiệp định thương mại song phương, thương mại nội khối ASEAN, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới… cần tăng cường liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị, thương hiệu hóa; tái cấu trúc toàn diện ngành cá tra gắn với các ngành khác có liên quan.
Đường bơi xanh cho cá tra Việt đã được nhận diện, nhưng quan trọng là cách bơi trước thách thức cạnh tranh, khi thị trường cá tra trên thế giới không phải là “một mình, một chợ”.
Vì thế, nên Bộ NN-PTNT thận trọng đề ra kế hoạch năm 2022, ngành cá tra sản xuất với sản lượng cá 1,6-1,7 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu trên 1,6 tỷ USD, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng...