Dưới tán rừng xanh mát hiu hiu gió thổi, ríu rít tiếng chim, chúng tôi vượt qua đoạn đường đất ngập nước, trơn trượt sình lầy, vươn vai hít thở không khí trong lành, thỏa thuê ngắm những ô vườn nặng trĩu trái cây, xum xuê bông đa sắc. Bà chủ vườn, chị Sáu Sữa (chị Trần Thị Sữa) nón lá cũ, khăn rằn bịt mặt, mồ hôi đẫm lưng áo nói: “Vô nhà uống nước với anh Hai đi, chờ chị chút xíu!”.
Ông bà Hai Ninh, Sáu Sữa ở Tây Ninh.
1. Ngôi nhà cấp 2 khang trang giữa rừng cây, nhìn giống rất nhiều ngôi nhà của những người nông dân khá giả. Ai mới tới khu rừng này chắc sẽ ngạc nhiên khi biết vợ chồng già chủ cơ ngơi ấy chính là hai lãnh đạo cấp tỉnh đã về hưu. Chị Sáu Sữa, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đại biểu Quốc hội khóa VIII, nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Long An và chồng là anh Hai Ninh (Đặng Văn Ninh) cũng từng đương nhiệm chức Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh. Chồng 75 tuổi, vợ 70 tuổi, cả hai đều muốn tránh nơi phố thị ồn ào, trở lại với những tán rừng xanh mát đầy kỷ niệm. Tại đây, chúng tôi được nghe ký ức khó quên của hai vị cựu cán bộ lãnh đạo tỉnh này.
Anh Hai Ninh mấy năm nay bị hư đôi mắt, chạy chữa mãi mà không khỏi, giờ chỉ nhìn thấy mờ mờ nhưng giọng nói còn khỏe, âm sắc vang trầm, cuốn hút của một cán bộ 23 năm làm công tác dân vận. Đang làm Bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu, năm 1988, anh đi Liên Xô chữa bệnh, năm sau về nước được bầu làm Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh. “Khó khăn lớn nhất trong công tác mới là gì?”, chúng tôi hỏi. Không cần suy nghĩ lâu, anh khẳng định ngay rằng lúc đó Tây Ninh là một tỉnh nghèo và lạc hậu. Sau ngày giải phóng miền Nam 1975, cả thị xã Tây Ninh chỉ có 2 cái nhà lầu, còn toàn nhà trệt. Trước đó, chiến tranh dữ dội, bom pháo liên miên, các đại gia Tây Ninh tìm về TPHCM, Biên Hòa cất biệt thự cho an toàn. Hòa bình được hai năm thì chiến tranh biên giới Tây Nam, thời gian đâu mà kiến thiết. Tới năm 1990, Tây Ninh vẫn nghèo. Là tỉnh nông nghiệp mà đất đai hoang hóa quá nhiều. Phía Nam tỉnh đất chật người đông, phía Bắc biên giới đất hoang, người ít. Mấy cây trồng chủ lực hồi đó như mía, mì, cao su… phát triển ì ạch vì hệ lụy mất cân đối trong sản xuất, chế biến. Ai lại tốn xăng dầu chở mía sang Bà Lụa (Bình Dương) hay chở mì tuốt về Hiệp Hòa (Long An) để mướn người ta chế biến, giá thành làm sao cạnh tranh được với thị trường?
Phải hoạch định lại hướng phát triển kinh tế. Một vùng đất rộng lớn, đầy tiềm năng kinh tế đang bị bỏ hoang hóa. Kế hoạch đưa dân lên phía Bắc vừa làm kinh tế, vừa giữ gìn biên giới được lãnh đạo tỉnh bàn đến. Lúc đó phải mở cửa mời dân đến, cấp đất cho họ, khai hoang sẵn cho dân sản xuất. Những khu kinh tế mới được mở ra như khu Tân Thạnh của người dân quận Bình Thạnh (TPHCM), Tân Hà - Suối Ngô của người dân phía Bắc chuyển vào. UBND tỉnh còn mới, các thành phần kinh tế đầu tư vào Tây Ninh với lợi thế được tỉnh cho mượn đất để sản xuất, thành lập nông trường…
2. Bộ mặt mấy huyện biên giới đã khởi sắc. Lúc đó anh Hai Ninh đề xuất kế hoạch tập trung 70% ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng cho vùng sâu, vùng xa biên giới. Đề xuất này gặp nhiều phản ứng vì nó hơi “tréo ngoe”. Ai lại bỏ thị xã, thị trấn để tập trung cho vùng sâu biên giới? Sao không tập trung phát triển kinh tế đồng bằng và đô thị để lấy thế hỗ trợ cho vùng sâu, vùng xa? Ý tưởng đầy tính mạo hiểm này làm cho không ít người băn khoăn, phải trải qua mấy kỳ họp Thường vụ Tỉnh ủy, đích thân anh Hai Ninh dẫn một đồng chí có uy tín trong Ban Thường vụ đi thị sát một vòng từ Dương Minh Châu - Tân Châu - Tân Biên - Châu Thành để thuyết phục rằng: “Phát triển kinh tế vùng biên giới mới chính là tạo nội lực cho tỉnh, cân bằng thu chi ngân sách nhà nước”. Cuối cùng, đề xuất của Hai Ninh được thông qua. Cả một vùng biên giới rộng lớn rùng rùng thay đổi diện mạo. Suốt từ Suối Bà Chiêm, Sóc Con Trăng, Suối Ngô huyện Tân Châu qua Đồn Biên phòng Tống Lê Chân, Chàng Riệc, Sa Mát huyện Tân Biên, kéo ngang xã Biên Giới huyện Châu Thành, vượt sang vùng Long Phước huyện Bến Cầu, những con đường đất lầy lội, sâu hoắm vệt bánh xe bò đã dần biến mất, thay vào đó là những cây số đường trải nhựa bằng phẳng. Đường tới đâu, điện kéo tới đó, làm nền tảng cho phát triển kinh tế địa phương.
Người dân hăm hở bước vào “trận chiến” mới: cải tạo đất đai, phát triển kinh tế. Chưa thể quên bà con các tỉnh phía Bắc cần cù phát hoang, mở ra những vùng mía, mì hoặc nông trường cao su rộng lớn. Những ngày tháng gian khổ gỡ bom mìn lấy đất sản xuất của xóm người Thái - Thanh Hóa ở Long Phước huyện Bến Cầu. Năm 1996, toàn bộ các xã trong tỉnh Tây Ninh đã có điện lưới quốc gia. Rồi sau đó lần lượt những nhà máy chế biến mủ cao su, nhà máy đường, nhà máy chế biến bột mì… mọc lên sát các vùng biên giới Tân Châu, Tân Biên. Phố thị mọc lên đẩy lùi rừng hoang, sình lầy, nghèo khó. Sau khi ổn định kinh tế vùng sâu, vùng xa biên giới, mãi tới năm 2000, anh Hai Ninh mới quay trở lại công cuộc đầu tư phát triển cho thị xã và các huyện lỵ, đồng bằng. Bí thư Thị ủy thị xã Tây Ninh hồi đó nói nhỏ với Hai Ninh: “Thiệt với ông, lúc ông bỏ thị xã đầu tư cho biên giới, tôi giận ông lắm. Nhưng giờ thì thấy ông làm đúng”.
3. Chị Sáu Sữa mang cho chồng ly nước lạnh, nói: “Ông này bệnh cùng mình, ngồi một chỗ nhưng cái đầu không chịu nghỉ. Có ai nhắc lại chuyện quá khứ là hào hứng lắm, nói không muốn nghỉ. Long An quê chị, hồi đó còn nghèo hơn Tây Ninh nữa kìa”.
Chị Sáu khái quát cho thấy một Long An thuần nông nghiệp, nhưng mỗi năm cũng chỉ được một vụ lúa. Cũng như Tây Ninh, trong chiến tranh Long An là vùng bom đạn ác liệt. Sau giải phóng, lại tiếp đến chiến tranh biên giới, nền kinh tế tưởng không vực lên nổi. Vấn đề cần giải quyết đầu tiên cho bài toán kinh tế - xã hội Long An là đường giao thông. Năm 1987, khi chị Sáu Sữa là đại biểu Quốc hội khóa VIII, tuyến giao thông từ ngã tư tỉnh lộ 49 vùng biên giới đi Mộc Hóa, Tân Hưng toàn đi bằng xuồng, ghe. Ước mơ của người dân lúc đó là một con đường nối từ thị xã Tân An đi biên giới, nhưng không có kinh phí. Chị Sáu Sữa lúc đó đang là Bí thư Huyện ủy Thủ Thừa, nằm trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã bàn đến chuyện xin tiền Trung ương để làm đường. Nhiều người cho là viển vông, nhưng chị vẫn quyết tâm xin tỉnh cho ra Hà Nội.
Hai nhân vật quan trọng được chị Sáu tiếp cận là ông Bùi Danh Lưu (Hai Lưu), Bộ trưởng Bộ GTVT, và ông Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chị “bám” Hà Nội khá lâu, kể rất nhiều về một Long An từng “trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”, nay còn nghèo, muốn có một “con đường” để phát triển đời sống dân sinh. Nếu Nhà nước hỗ trợ kinh phí, Long An lại sẽ “toàn dân mở đường”. Sau đó Bộ GTVT và Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ phê duyệt. Chị Sáu Sữa trở về Long An trong tâm trạng lo lắng, hồi hộp.
Khi hay tin Chính phủ đồng ý đầu tư làm quốc lộ 62 từ Tân An đi huyện biên giới Vĩnh Hưng dài gần 100km, chị Sáu Sữa đang họp, mừng quá nhảy cẫng lên như trẻ nít. Mọi người xúm vào bàn cách vận động nhân dân cùng Nhà nước làm đường. Từng đợt dân công được triển khai tạo mặt bằng, mỗi đợt 10.000 người, trong suốt 3 năm mấy chục lượt như vậy. Hiểu rõ lợi ích từ con đường, người dân hăm hở vào trận mới. Vượt qua những cánh đồng ngập nước, chỗ cắm cừ đổ đất, chỗ đắp nền vượt trũng. Cánh rừng Chó Ngáp không làm nản lòng những thanh niên trai gái. Họ dựng lều, mắc mùng ngủ tại hiện trường, thi đua tăng năng suất lao động. Hiểm nguy rình rập, đang phát cây thì đụng rắn lục cắn, đêm ngủ rắn bò vô mùng cắn… Mấy chục người đã hy sinh cho tuyến đường này. Chị Sáu từng chứng kiến một cậu thanh niên 21 tuổi, vừa cưới vợ xong thì đi công trường, buổi trưa cậu bị rắn lục cắn chết. Ngay trên mặt đường còn ngổn ngang đất và cây, người vợ trẻ và bà mẹ già ôm xác chồng, xác con khóc ngất, chị nức nở khóc theo. Thương dân mình sẵn sàng hy sinh trong chiến tranh giữ nước và xây dựng đất nước, chị đã đấu tranh đến cùng để họ được phong danh hiệu liệt sĩ, những liệt sĩ hy sinh trong sự nghiệp xây dựng Tổ quốc.
Sau ba năm thì con đường hoàn thành, trong niềm vui bất tận của cán bộ và nhân dân Long An. Quốc lộ 62 bắt đầu từ ngã tư giao nhau với quốc lộ 1A, đi qua 5 huyện là Đồng Tháp Mười - Thủ Thừa - Thạnh Hóa - Tân Thạnh - Mộc Hóa, kết thúc tại cửa khẩu Bình Hiệp, tạo ra một hướng đi mới cho nền kinh tế Long An. Giờ đây, có đến Long An, đứng ở ngã tư thành phố Tân An nhìn quốc lộ 62 rộng thênh chạy dài tít tắp về hướng biên giới, khó có thể hình dung ra những bãi sình, trảng cây đầy muỗi vắt, rắn độc ngày nào. Còn một bí mật nữa ít người biết đến, đó là tên con đường mới. Tại sao lại đặt là quốc lộ 62? Con số đó vô cùng ý nghĩa vì được ghép lại từ tên của hai người có công lao với nó. Chị Sáu Sữa và anh Hai Lưu (Bùi Danh Lưu). Sau này, tới năm 2000, được nghỉ hưu, chị Sáu Sữa theo chồng về sinh sống ở Tây Ninh, nhưng cán bộ và nhân dân Long An không quên công sức của chị đóng góp cho quê hương.
* * *
Câu chuyện của hai vợ chồng già từng là cán bộ lãnh đạo tỉnh, được kể lại dưới tán lá xanh mát của cánh rừng xưa, đem đến nhiều bất ngờ và xúc động. Gần 40 năm trôi qua, từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cả nước có rất nhiều đổi mới, tiến bộ, mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi người đều có những đóng góp nhất định vào công cuộc phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Những câu chuyện nhỏ của vợ chồng anh chị Sáu Sữa - Hai Ninh, cũng là những ký ức khó quên trong cuộc đời. Bây giờ, dưới tán rừng xưa, họ trở về với cuộc sống thường dân bình lặng. Vẫn chăm chút cho đời bằng bàn tay khối óc lao động cần cù. Cái quan trọng nhất là người dân không quên họ, mỗi khi nhắc tới những việc mà hai người đã làm cho dân, cho nước…
PHÙNG PHƯƠNG QUÝ