Thuế quan của Mỹ đã đẩy giá thành và giá bán sản phẩm Trung Quốc tăng đến mức thị trường phải chuyển sang mua hàng của Viyellatex.
Giống như Bangladesh, nhiều nền kinh tế châu Á là nơi tập trung các trung tâm chế tạo, sản xuất giá rẻ không rơi vào tình trạng hoảng loạn, dù cả 2 siêu cường đều công bố thuế quan “ăn miếng trả miếng” đối với hàng hóa của nhau khiến các nhà kinh tế dự báo sẽ làm tê liệt sự tăng trưởng toàn cầu và gây thiệt hại lớn cho các nước xuất khẩu.
Các chuyên gia cho rằng, một số nền kinh tế lớn ở ASEAN đã đặt nền tảng hưởng lợi từ việc sắp xếp lại các dây chuyền cung ứng toàn cầu mà cuộc chiến thương mại này góp phần tạo ra, nhất là Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. Việt Nam sẽ thấy các cơ hội trong ngành nội thất và may mặc, Malaysia trong ngành khí tự nhiên hóa lỏng và Thái Lan trong ngành ô tô. Sự kết hợp của môi trường pháp lý có thể dự đoán được, cơ sở hạ tầng giao thông và khả năng tăng chi tiêu công khiến Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mà cuộc chiến thương mại này dự kiến mang lại và thoát khỏi sự giảm sản lượng xuất khẩu đang diễn ra trong khu vực.
Cho đến nay, hầu hết sự dịch chuyển đã diễn ra trong các ngành có trình độ thấp như dệt may, thay vì các ngành trình độ cao như công nghệ thông tin, mặc dù một số khía cạnh của chuỗi giá trị công nghệ cao đã bắt đầu tái phân bổ khỏi Trung Quốc. Là những nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng đầu ở châu Á, Singapore, Hàn Quốc hay Nhật Bản - với lực lượng lao động thu nhập cao, khó có thể trở thành điểm đến cho các công ty muốn chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc.
Giới quan sát cảnh báo, cuối cùng mọi người đều sẽ là kẻ thua cuộc. Mặc dù một số nền kinh tế ở Đông Nam Á có thể được lợi trong ngắn hạn và thậm chí là trung hạn, sự thay đổi toàn cầu hướng tới chủ nghĩa bảo hộ thương mại về lâu dài là tin xấu cho nền kinh tế toàn cầu. Michael Plummer, nhà kinh tế học tại Trường Nghiên cứu quốc tế John Hopkins ở Washington D.C, cho hay, chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng cuối cùng sẽ không tốt đối với châu Á. Ngày nay, thế giới đã trở nên hội nhập hơn nhiều so với những năm 1970 và thiệt hại có thể lớn hơn dự đoán.
Ngay cả khi việc chuyển đổi sản xuất mang lại lợi ích cho một số nước nhất định, xuất khẩu liên tục suy giảm trên toàn thế giới có nguy cơ dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, cuộc chiến thương mại kéo dài và toàn diện này có thể làm tăng trưởng toàn cầu năm 2020 giảm đi 0,8%, và giữ nó ở mức dưới 0,4% trong dài hạn.
Ngân hàng Phát triển châu Á dự đoán, tăng trưởng của khu vực sẽ giảm từ 5,9% năm 2018 xuống còn 5,7% trong năm 2019, chỉ ra những căng thẳng thương mại là yếu tố gây nguy hiểm nhất cho sự phát triển kinh tế. Ngân hàng Đầu tư Morgan Stanley còn đưa ra dự đoán tồi tệ hơn rằng nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái nếu Washington và Bắc Kinh tiếp tục đối đầu.