1. Một giảng viên tôi từng được học là Trung tá - TS Nguyễn Quỳnh Anh. Người thầy dạy duy nhất một bài học, gặp duy nhất một buổi học về Điều lệ Đảng (môn học mà thầy tự nhận là rất dễ khô khan) nhưng đã khiến đám học viên ấn tượng mãi vì những nụ cười, nước mắt đan xen trong câu chuyện thầy kể. “Các bạn bất ngờ phải không? Tên của tôi ai đọc lên cũng tưởng nhầm là cô chứ không phải thầy”, thầy nói và phía sau đó là một câu chuyện khiến thầy luôn yêu quý và tự hào về cái tên của mình.
Vào những năm kháng chiến chống Mỹ khốc liệt nhất, một cô gái rất trẻ cùng đồng đội có mặt trên đường Trường Sơn. Trong một trận rải bom của giặc, một người chị, người đồng đội đã đẩy cô vào hầm trước mình. Bom dội ngay cửa hầm, đồng đội hy sinh, còn cô nhờ được đẩy vào trong, được che chắn nên giữ được mạng sống dù bị thương rất nặng.
Cô gái trẻ ấy trở về với những vết thương rất nặng trên đầu và khắp thân thể. Nhiều năm sau hòa bình, những vết thương vẫn hành cô mỗi khi trái gió trở trời. Có lẽ với sức khỏe yếu ớt như vậy, hiếm khi người ta nghĩ tới chuyện lập gia đình. Nhưng cô vẫn luôn nuôi suy nghĩ: khi lập gia đình, có con, bất kể là gái hay trai vẫn nhất định đặt tên là Quỳnh Anh, tên của người chị, người đồng đội đã cho mình cơ hội được sống.
Cô gái trẻ trên đường Trường Sơn năm xưa là mẹ của thầy Quỳnh Anh. Cũng như nhiều cô gái gửi lại tuổi thanh xuân nơi núi rừng, trở về với những vết thương, sự tàn phai nhan sắc, cô gái ấy vẫn luôn giữ niềm lạc quan, tin yêu trong cuộc sống.
Sự nỗ lực của thầy Quỳnh Anh trong cuộc sống này, có lẽ không chỉ vì gia đình, mà còn sao cho xứng đáng với những gửi gắm trong cái tên của mình được gọi. Trong những bài học quý người mẹ để lại cho con của mình là hy sinh lớn lao của người đã khuất, sự khắc ghi, biết ơn sâu đậm của người ở lại. Và bài học ấy, chúng tôi được học một cách rất tình cờ nhưng đầy xúc động.
2. Một đồng hương của tôi là thương binh hạng nặng. Chống gậy đi học đại học ở tuổi xế chiều, lấy bằng cử nhân ngành luật khi sự nghiệp đã và đang thăng tiến, vẫn làm thơ, viết truyện, giữ tâm hồn trong trẻo, yêu đời sau bộn bề lo toan… Đó là những điều tôi bất ngờ và nể phục anh Phạm Hào Quang.
Ở tuổi gần 70, Phạm Hào Quang nói mình có nhiều trải nghiệm để có thể viết ra những điều đi qua và xúc động trong cuộc sống. Anh ít gửi tác phẩm in báo, in sách mà thường viết trên facebook. Ở thế giới ảo ấy, anh có “fan”, dù rằng, anh xác định viết cho vui và có cảm nhận, dù trên thế giới ảo vẫn có thể đưa lại những niềm vui thật trong đời cho mình cùng mọi người. Không ít người, như tôi, luôn thấy cuộc sống tích cực phía sau những bài thơ, câu chuyện anh kể. Nhất là khi người thương binh thích làm thơ vui, kể chuyện vui ấy, từng đối mặt với những tháng ngày nghiệt ngã nhất của cuộc đời.
Phạm Hào Quang từng nghỉ học lớp 10, đi bộ đội, tham gia cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Anh gặp nạn khi đang cùng đoàn cán bộ quân đội từ TPHCM sang Siem Reap (Campuchia), bị lính Polpot bắn. Cả đoàn chỉ còn mỗi trung úy Phạm Hào Quang may mắn sống sót, bị trọng thương, phải đưa về nước.
Phạm Hào Quang có lẽ là một trong những bệnh nhân đáng nhớ nhất tại Quân y viện 175 TPHCM thời điểm đó vì nằm điều trị hơn 2 năm trời với những vết thương nặng: vỡ hộp sọ, vỡ gan, gãy xương cổ, gãy xương sườn, liệt tứ chi... Đầu năm 1983, anh được xếp hạng thương binh 1/4, nặng nhất với tỷ lệ thương tật 81%. Gần 30 tuổi, anh về lại quê nhà sau thời gian dưỡng thương trong ánh mắt ái ngại của cả làng, chủ động rút lời hẹn ước. Anh bán nước chè xanh, kẹo lạc để có thêm chút tiền phụ gia đình. Anh kể: “Đêm nằm nghe tiếng kẻng của ông đội trưởng gọi xã viên ra kho hợp tác chia sắn mua ở miền Tây Quảng Bình ra, tôi bỗng trào nước mắt và nghĩ, không thể cam chịu đói khổ thế này được, phải đi”.
Vào Sài Gòn, anh giúp việc quán phở, làm thợ phụ sửa xe kiêm bảo vệ, trông coi cửa hàng trên một vỉa hè. Anh làm việc hết sức để có tiền gửi về quê phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Trong thời gian này, anh quen và lập gia đình với 1 nữ công nhân chịu thương, chịu khó. Qua nhiều nghề mưu sinh, hiện anh là một doanh nhân được nhiều người ở địa phương biết tới không chỉ vì sự phát triển của công ty, còn vì tấm lòng đối đãi với những người nghèo khó.
Hiện nay, dù bận việc kinh doanh nhưng anh Phạm Hào Quang vẫn là “bác tổ trưởng dân phố bao đồng”, thường xuyên bỏ tiền túi và vận động thêm bạn bè, nhà hảo tâm giúp những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình.
Đúng như anh nói: “Tuổi tác và thương tật không làm ta chùn bước. Ta đã sống và được sống”.