Trúng mùa, phấn khởi
Những ngày gần Tết Nhâm Dần 2022, về vùng trồng lúa trên đất nuôi tôm (thường gọi là lúa tôm) của huyện Thới Bình, địa phương sản xuất lúa tôm lớn nhất tỉnh Cà Mau, chúng tôi nhận thấy không khí chuẩn bị đón tết của bà con có nhiều khởi sắc với tâm trạng phấn khởi.
Tiếp chuyện với chúng tôi vào những ngày giáp tết, ông Phạm Văn Chiến, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, cho biết, vừa mới thu hoạch xong vụ lúa tôm. “Dù ban đầu việc chuẩn bị xuống giống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng nông dân tích cực rửa mặn cho đất và xuống giống đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, cộng với thời thiết năm nay thuận lợi nên cả tôm lẫn lúa đều trúng. Với hơn 2ha, tôi thu hoạch vừa tôm càng, vừa bán lúa được hơn 140 triệu đồng. Năm nay, gia đình đón tết vui và sung túc hơn”, ông Chiến chia sẻ.
Tương tự, tại các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, người dân sản xuất lúa tôm cũng vui nhờ trúng mùa và được giá. Đa số giống lúa người dân trồng tại vùng lúa tôm là ST24, ST25, OM2517, OM5451..., trong ruộng thì thả nuôi tôm càng xanh. Năm nay, giá lúa vẫn duy trì ở mức cao, còn tôm càng giá giảm khoảng 5%-10% vào đầu vụ, nhưng cận Tết Nguyên đán đã tăng trở lại nên nông dân có lãi cao.
Nói về vụ lúa tôm năm nay, ông Võ Hoàng Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), phấn khởi: “Dự kiến ban đầu của huyện là năm nay chỉ xuống giống vụ lúa tôm khoảng 10.000ha. Tuy nhiên, nhờ thời tiết thuận lợi nên bà con xuống giống đến 14.000ha. Hiện lúa tôm đều trúng mùa và được giá, giúp bà con đón Tết Nguyên đán tươm tất hơn”.
Mô hình bền vững
Theo người dân vùng bán đảo Cà Mau, qua thực tế sản xuất cho thấy ai cũng đánh giá rất cao mô hình lúa tôm. Nguyên nhân vì mang lại hiệu quả kinh tế và có tính bền vững, phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi này. Theo đó, mùa nắng sau khi thu hoạch lúa xong, nông dân cho nước mặn vào nuôi tôm (chủ yếu là tôm sú cùng với cua, cá…). Khi đến mùa mưa, độ mặn giảm, nông dân cải tạo đất, trồng lúa kết hợp thả nuôi tôm càng xanh.
Là một trong những hộ có nhiều năm sản xuất theo mô hình lúa tôm, ông Huỳnh Văn Dũng, xã Trí Lực, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nhận xét: “Sản xuất theo mô hình lúa tôm hỗ trợ qua lại cho nhau. Vì làm lúa trên đất tôm khi thu hoạch gốc rạ phân hủy giúp đất màu mỡ hơn, cắt đứt mầm bệnh nên nuôi tôm sú cũng trúng hơn. Do đó, tôm và lúa đều phát triển tốt. Tuy nhiên điều trở ngại là hệ thống thủy lợi chưa được khép kín, nguồn nước ngọt thì phụ thuộc vào nước trời. Vì vậy, nếu thời tiết thuận lợi thì làm lúa trúng mùa, còn năm nào hạn mặn đến sớm và diễn biến phức tạp thì nông dân hơi khó”.
Các nhà khoa học đánh giá, mô hình sản xuất lúa tôm thích nghi với biến đổi khí hậu, mang tính bền vững về mặt môi trường, giảm nhu cầu sử dụng các loại phân bón, hóa chất… trong sản xuất lúa, ít gây hại đến môi trường tự nhiên, thích ứng theo hướng thuận thiên.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình (Cà Mau), cho biết, một trong những nguyên nhân khiến việc sản xuất lúa tôm còn gặp khó là do hạ tầng thủy lợi chưa hoàn chỉnh. “Vì vậy, để mô hình sản xuất hiệu quả và bền vững hơn thì cần đầu tư hệ thống thủy lợi, hình thành những tiểu vùng thủy lợi khép kín. Muốn làm được điều này thì cần nguồn vốn đầu tư mạnh hơn trong thời gian tới. Hiện tại, nguồn lực của huyện có hạn nên rất cần sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương”, ông Phúc đề xuất. Hiện nhiều địa phương ở vùng bán đảo Cà Mau đang áp dụng sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị, sản xuất luân canh lúa theo tiêu chuẩn sản phẩm lúa hữu cơ và lúa an toàn. Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, nhìn nhận, mô hình sản xuất lúa tôm ngày càng mang lại hiệu quả. Tuy nhiên để ổn định và phát triển bền vững hơn, ngành nông nghiệp sẽ tập trung đầu tư các ô thủy lợi, phục vụ sản xuất lúa tôm một cách bài bản và chủ động.
Theo ông Lưu Hoàng Ly, định hướng tới đây là quy hoạch vùng sản xuất theo hướng “lúa thơm - tôm sạch” và hướng đến sản xuất lúa tôm hữu cơ. Bên cạnh đó, từng bước hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng, bao tiêu sản phẩm theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; giúp nông dân tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.