Khoảng 2 tuần nay, nông dân và các chủ trại nuôi heo ở nhiều nơi trong cả nước vui trở lại khi heo rục rịch tăng giá. Tại các chợ thực phẩm và siêu thị, giá thịt móc tăng từng ngày. Ghi nhận trong ngày 15-7, giá heo hơi tại chuồng trại đã vượt lên hẳn so với hồi tháng 4 và 5, chỉ còn có 18.000-20.000 đồng/kg. Nhiều nông dân ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Đồng Nai, Long An… cho biết, giá heo đang được thương lái thu mua khoảng 32.000-36.000 đồng/kg, có nơi lên tới 40.000 đồng/kg. Trước mắt, giá cả nhích lên đã làm tình hình chăn nuôi ấm hơn. Nhiều nơi, bà con nông dân cho biết giá tăng mà không còn heo để bán.
Lý do tăng giá là vì sau hơn 3 tháng cả nước vào cuộc “giải cứu”, hiện lượng heo tồn trong dân đã không còn nhiều, trong khi bà con cũng chẳng tha thiết tái đàn. Chủ nhiệm một HTX chăn nuôi heo cho biết, sau đợt heo bán như cho, HTX phải bán tháo và cắt giảm khoảng 40% tổng đàn so với lúc bình thường. Còn theo báo cáo tổng kết 6 tháng đầu năm của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đàn heo cả nước đã giảm khoảng 1,1 triệu con so với cùng kỳ năm ngoái và giảm khoảng 1,6 triệu con so với hồi đầu tháng 4 vừa qua.
Giá heo tăng là tin rất vui không chỉ cho người nông dân mà cho cả nền kinh tế. Tuy nhiên, vừa lóe tin vui lại phải âu lo. Quanh quẩn vẫn là câu chuyện quy hoạch về số lượng nuôi trồng bao nhiêu và thị trường tiêu thụ ở đâu, giá bán thế nào. “Cơn bão” heo thừa, thịt ế vừa qua chẳng phải là dẫn chứng của tình trạng “thấy được giá cao là đổ xô vào” trong sản xuất nông sản đã lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.
Trong cả năm 2015 và nửa đầu năm 2016, giá heo trong nước tăng mạnh vì tư thương Trung Quốc thu mua ráo riết. Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Quảng Ninh…, mỗi ngày có hàng trăm xe chở heo ngược lên biên giới. Đó là lý do nhiều nông dân, chủ trại đổ xô vay vốn, đầu tư nuôi heo. Nay, trước hiện tượng heo hơi tăng giá trở lại, liệu có đảm bảo nông dân sẽ không ồ ạt nuôi như năm trước, khi mà lâu nay họ thiếu thông tin thị trường, không có nhiều kinh nghiệm và sáng tạo trong lựa chọn “trồng cây gì, nuôi con gì”. Thêm nữa, cũng có thông tin cho rằng, sở dĩ giá heo bất chợt nóng sốt trở lại là vì hơn 1 tháng nay, tại Trung Quốc có mưa lũ lớn nên hiện phải tăng cường nhập khẩu thịt và nông sản trở lại…
Vẫn biết thị trường nông sản là theo quy luật cung - cầu nhưng nếu chúng ta tiếp tục thả nổi, không điều tiết, không nắm bắt được mức độ tiêu thụ, cứ đổ xô vào nuôi - trồng một loại nông sản khi thấy giá cao… thì chắc chắn bài học về khủng hoảng thừa thực phẩm, phải hô hào giải cứu, kêu gọi hỗ trợ sẽ còn tiếp tục tái diễn. Trước hết, người nông dân nên tuân thủ đúng quy hoạch, không thể đổ xô nuôi - bỏ, trồng - chặt khi được mùa hoặc mất giá. Nhưng không thể để mặc người nông dân tự bơi mà rất cần vai trò của nhà nước, chính quyền địa phương và các hiệp hội ngành hàng trong việc điều tra thăm dò, dự báo tình hình thị trường để định hướng, điều hành sản xuất. Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương phải chủ động đưa ra cảnh báo khi có dấu hiệu nuôi - trồng ồ ạt, không đảm bảo về thị trường tiêu thụ thay vì giải cứu theo kiểu “chữa cháy” như thời gian qua.
Trong cuộc họp báo thông tin tình hình sản xuất và thương mại trong 6 tháng đầu năm 2017 vừa tổ chức ngày 14-7, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị không vì thấy giá heo cao mà lại chăn nuôi ồ ạt, cần tìm thị trường theo hướng xuất khẩu nhưng phải đa dạng “đầu ra”, không thể phụ thuộc chỉ một thị trường tiểu ngạch và cái chính là ở chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; cần phải tổ chức tập huấn, cầm tay chỉ việc cho người nông dân. Nếu không, sẽ lại bị vỡ quy hoạch, lại khủng hoảng thừa, lại hô hào giải cứu .