“Thỏa thuận sống sót”, “các bên tái khẳng định cam kết về thỏa thuận”... là những dòng tít mà báo chí thế giới ngày 7-12 sử dụng để nói về thỏa thuận hạt nhân Iran (tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA được ký năm 2015) đang có nguy cơ đổ vỡ được “cứu” sau cuộc họp tại Vienna, Áo ngày 6-12.
Căng như dây đàn
Hôm 5-12, 3 nước Anh, Pháp, Đức ra tuyên bố chung lên án Tehran phát triển tên lửa đạn đạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ).
Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lập tức cho rằng, tuyên bố nói trên của 3 nước châu Âu là “một lời dối trá vô vọng để che giấu sự bất lực trong việc tuân thủ mức tối thiểu các nghĩa vụ của họ”.
Tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên, các nước châu Âu nêu lên khả năng khởi động một cơ chế được dự trù trong JCPOA. Theo đó, cơ chế này có thể dẫn đến khả năng tái lập các trừng phạt của LHQ đối với Iran. Trong trường hợp đó, nhiều chuyên gia cho rằng thỏa thuận 2015 xem như bị khai tử và Iran thậm chí có thể cũng sẽ rút ra khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Chính vì bối cảnh như trên, dư luận dồn sự quan tâm đến cuộc họp 6 bên giữa Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và Iran tại Vienna lần đầu tiên kể từ tháng 7-2019. Một quan chức ngoại giao châu Âu còn đưa ra nhận định đầy “u ám” rằng: “cánh cửa đàm phán và để cứu vãn thỏa thuận này gần như không mở”. Nhưng rồi, cuộc họp kéo dài 3 giờ tại Vienna đã khiến cộng đồng quốc tế thở phào. Các nước châu Âu yêu cầu Iran dừng ngay việc “rời xa” thỏa thuận và ngược lại cũng sẽ không kích hoạt cơ chế tái lập các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, đại diện của Iran Abbas Araghchi cho biết, các cường quốc thế giới quan tâm đến việc tìm kiếm giải pháp thiết thực để có thể tiếp tục hợp tác kinh tế với Tehran.
Trong khi đó, bà Helga Schmid, Tổng thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu, thì cho hay, tất cả các bên tham gia đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ, hiệu quả cũng như theo đuổi mọi nỗ lực để bảo vệ JCPOA.
Cần các cuộc đàm phán mới
Trang mạng Foreign Affairs cho rằng, việc vi phạm JCPOA của Iran là động thái trả đũa Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận cũng như là cách để “thuyết phục” Mỹ xem xét lại chiến dịch trừng phạt nhằm vào Iran. Vì vậy, để Iran thực sự hợp tác trong vấn đề hạt nhân, Mỹ và châu Âu cần tiếp cận các cuộc đàm phán mới dựa trên những bài học được rút ra sau 2 năm qua.
Giờ đây, có thể thấy rõ các máy ly tâm kiểu cũ và các cơ sở làm giàu uranium được Iran khai báo phần lớn là những “cây gậy” mà Iran dùng để gây hoang mang cho phương Tây. Bởi nếu Iran thực sự tìm cách sử dụng chúng nhằm làm giàu đủ lượng uranium cần thiết để sản xuất vũ khí hạt nhân, thì nguy cơ bị phát hiện - và có thể là bị tấn công - sẽ rất cao.
Để thực sự sản xuất được vũ khí hạt nhân, Iran sẽ cần phải làm giàu uranium một cách bí mật, tức là phải sử dụng những máy ly tâm tiên tiến hơn, ngăn chặn việc điều tra các địa điểm có liên quan và giữ bí mật hoàn toàn về các hoạt động sản xuất vũ khí của họ. Những thông tin được tiết lộ trong 2 năm qua cho thấy, Iran đã đặt nền móng cho một chương trình bí mật như vậy, song song với việc cho phép điều tra chương trình hạt nhân đã được nước này công khai trước đó.
Việc Tehran liên tiếp có hành vi khiêu khích cũng đem lại cơ hội cho Washington gia tăng sức ép ngoại giao và tập hợp sự ủng hộ của châu Âu đối với một vòng đàm phán mới. Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump không nắm bắt cơ hội này, ông sẽ kết thúc nhiệm kỳ thứ nhất của mình không phải với những sự kiềm chế hạt nhân chặt chẽ hơn đối với Iran, mà với việc Iran mở rộng các hoạt động hạt nhân và rút ngắn thời gian làm giàu uranium trước sự phản đối thiếu hiệu quả của một cộng đồng quốc tế bị chia rẽ.
Cùng ngày, Mỹ và Iran bất ngờ tiến hành trao đổi tù nhân. Theo Ngoại trưởng Iran Zarif, nhà khoa học nước này Massoud Soleimani đã được Mỹ phóng thích. Trước đó, Washington cũng tuyên bố nhà nghiên cứu người Mỹ gốc Hoa Xiyue Wang đang trên đường về Mỹ. |