Thông tin về sự việc này, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bác sĩ Nguyễn Dư Dậu hiện là Phó trưởng Khoa sản đã có kinh nghiệm 34 năm trong nghề. Ca mổ đẻ, triệt sản cho sản phụ Lê Thị Nguyên S. ở Hà Nội diễn ra vào đêm ngày 18-2-2016.
TS. Hùng cũng cho biết, hiện nay, ít người lựa chọn cách triệt sản vì có nhiều phương pháp tránh thai khác. Do đó việc triệt sản thường làm trong quá trình mổ đẻ, trong trường hợp sản phụ có kèm bệnh lý như bệnh tim mạch. Triệt sản có thể bằng cách cắt hoặc kẹp 2 vòi trứng theo kiểu buộc lại thì không thể có thai. TS. Hùng khẳng định trong trường hợp trên nếu bệnh nhân S. có thai thì có thể khẳng định là chưa được triệt sản. Hơn nữa, theo giấy tờ lưu tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy sản phụ S. cũng mới chỉ được mổ lấy thai, chưa được bác sĩ triệt sản.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Dư Dậu thừa nhận là người đã mổ đẻ cho chị S. do một đồng nghiệp nhờ vì là người thân. "Thường tôi không mổ đêm hay sáng sớm, nhưng trường hợp này là đồng nghiệp nhờ nên tôi đã vào bệnh viện sáng sớm để mổ cho bệnh nhân"- bác sĩ Dậu kể lại.
Bác sĩ Dậu cũng cho hay, khi biết sản phụ S. đã mổ đẻ 2 lần trước nên đã tư vấn cho sản phụ nên triệt sản vì đã có thai 3 lần, 2 lần mổ đẻ, có sẹo tử cung. Bệnh nhân và gia đình cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, trong quá trình mổ đẻ cho bệnh nhân, nhận thấy toàn bộ tử cung của bệnh nhân dính vào thành bụng nên bác sĩ Dậu đã không tiến hành triệt sản cho sản phụ vì sẽ nguy hiểm tới tính mạng sản phụ. Do đó mà mọi giấy tờ ra viện của sản phụ S. đều không ghi triệt sản.
Bác sĩ Dậu cũng cho biết: "Mỗi năm bản thân tôi mổ cho 500-600 bệnh nhân nên khi bệnh nhân gọi hỏi về việc vì sao đã triệt sản mà vẫn có thai? Vì đột ngột quá, nên tôi không thể nào nhớ ra và tôi buột miệng nói triệt sản rồi".
Trả lời về việc cấp giấy ra viện cho bệnh nhân như thế nào? TS Hùng cho hay, theo quy chế khi bệnh nhân ra viện được cấp giấy ra viện, cách thức phẫu thuật, giống hồ sơ bệnh lý để bệnh nhân làm chế độ, tiêu chuẩn... và cũng để bệnh nhân biết bác sĩ đã làm gì trên cơ thể họ, cũng như các lần đi khám lại. Tuy nhiên qua sự việc này, các bác sĩ của bệnh viện có thêm kinh nghiệm về quy trình khám chữa bệnh, đặc biệt là ghi thông tin về bệnh của bệnh nhân trên giấy tờ và hồ sơ bệnh án.
Trước đó theo phản ánh, ngày 15-2-2016, chị S. đến Khoa sản, Bệnh viện Bạch Mai để mổ sinh con thứ 3. Trước khi bác sĩ thực hiện mổ sinh, chị S. đã đề xuất với Khoa sản về việc được triệt sản và được bác sĩ đồng ý. Đồng thời vợ chồng chị S. đã ký vào bản cam kết triệt sản. Thậm chí, để chắc chắn sau khi sinh con thứ 3 được 3 tháng tuổi, chị S. đã gọi điện đến Khoa sản, Bệnh viện Bạch Mai và được khẳng định: bác sĩ Nguyễn Dư Dậu đã triệt sản cho chị S.
Thế nhưng rất bất ngờ khi mới đây chị S. lại mang thai được 8 tuần dù đã được triệt sản trước đó. Trước sự việc này, chị S. đã gọi điện tới bác sĩ Dậu và nhận được khẳng định từ phía bác sĩ là đã thực hiện phẫu thuật triệt sản cho cho chị S. Tuy nhiên khi tiếp xúc được với hồ sơ bệnh án của mình thì chị S. phát hiện bác sĩ Dậu không thực hiện thủ thuật triệt sản cho mình. Thậm chí, trong quá trình tiếp xúc với bác sĩ Dậu khi thông báo vẫn mang thai sau khi triệt sản, chị S. còn bị bác sĩ Dậu bày tỏ thái độ coi thường.
“Khi tôi hỏi bác sĩ Dậu, ông ấy bảo nếu muốn xác nhận lại xem có đúng không thì đến bệnh viện mổ bụng ra kiểm tra. Ông ấy còn thách thức tôi tìm được hồ sơ bệnh án. Khi tôi đến phòng khám riêng để gặp, ông ấy đuổi tôi ra ngoài...”- chị S. bức xúc.