Đừng ỷ lại ông bà

Ông bà phụ giúp chăm sóc cháu vốn không còn là câu chuyện xa lạ. Nhưng, trong không ít trường hợp, họ phải nhận gánh nặng về phần mình.
Hãy để việc chăm sóc cháu với ông bà luôn là niềm vui. Ảnh: Rawpixel
Hãy để việc chăm sóc cháu với ông bà luôn là niềm vui. Ảnh: Rawpixel

1. Một ngày, trên Facebook cá nhân, mẹ vợ tôi chia sẻ bài viết: “Đừng lấy thời gian của cha mẹ nữa”. Tôi vào đọc thử bài viết ngắn gọn, súc tích với hình ảnh minh họa là một bà mẹ đứng bên chậu hoa lan. Tôi dừng lại ở câu kết đầy thấm thía: “Thời gian với người lớn tuổi rất quý giá. Khi cha mẹ đã qua 60 tuổi, thì ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng của họ”. 

Mẹ vợ tôi chưa bước qua tuổi 60 nhưng đã có 6 người cháu, và con trai tôi là cháu ngoại duy nhất. Hồi vợ tôi sinh, bà thu xếp thời gian hơn 2 tháng đầu vào phụ giúp chăm sóc. Đó cũng là thời gian thảnh thơi nhất với chúng tôi, khi mỗi đêm đều được ngủ thẳng giấc vì tất cả đã có bà lo. Chưa kể, việc nấu nướng, giặt giũ mỗi ngày bà đều nhất nhất đòi làm hết vì luôn sợ mình rảnh tay chân. Ở quê, một tay bà với 5 đứa cháu, trong đó có 2 đứa nhỏ đang học mẫu giáo, lại kiêm nhiệm hết thảy việc nhà, đồng áng. Lần nào gọi điện về, vợ chồng tôi đều thấy bà tất bật lo nấu nướng, ăn uống, dọn dẹp. Đêm ngủ, lúc nào cũng có 1-2 đứa kè kè ở bên. Tôi nói chuyện với vợ, không biết đâu là khoảng thời gian bà có cho riêng mình. Một năm, nếu có chuyến đi du lịch với hội đồng ngũ của ông, bà cũng phải đắn đo, cân nhắc lắm mới dám nhận lời. Cũng có lúc bà nổi cáu, bực dọc, mệt mỏi nhưng những lời nói hay cử chỉ mật ngọt của các cháu khiến bà quên đi tất cả. Và, vòng quay mỗi ngày cứ lặp lại như thế.

Tương tự, khu chung cư tôi ở, cứ sáng sớm hay chiều muộn không khó để bắt gặp hình ảnh các ông các bà cứ đến giờ lại đưa các cháu xuống sân chơi. “Đáng lẽ bố mẹ nó đã đưa đi gửi nhà trẻ rồi, nhưng cháu mới hơn 1 tuổi, xót lắm nên tôi không đành lòng, phải bỏ hết việc ở quê để vào chăm sóc. Ráng thêm được tháng nào, cháu cứng cáp hơn cũng yên tâm”, là lời tâm sự của một bà ngoại vào chăm sóc cháu.  

2. Lại nói về bài viết mà bà ngoại của con trai tôi chia sẻ. Có gần ngàn lượt bình luận, trong đó có rất nhiều chia sẻ của những người cũng đang làm công việc phụ con chăm cháu. Có những tiếng thở dài như: “Mình giờ trông cháu còn vất vả hơn nuôi con ngày xưa ý”. Có những niềm hân hoan vì sự cho đi vô điều kiện: “Hàng ngày được chăm sóc cho con cháu là cảm thấy hạnh phúc rồi”, “có con cháu là niềm vui của tuổi già”… 

Hầu hết việc chăm sóc cháu đều xuất phát từ tình yêu thương và mong con cái có thêm thời gian tập trung cho công việc, cuộc sống tốt hơn. Nhiều người vẫn truyền tai nhau “một mẹ già bằng ba người ở”, hay “một mẹ già bằng ba lần giậu”. Bản thân tôi thấy đúng vô cùng. Giai đoạn mẹ vợ vào chăm sóc cháu ngoại là lúc cả 2 cô con dâu đều phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con cái, lo chuyện gia đình. Ấy nhưng khi bà về, một tay quán xuyến hết, việc gì cũng nhẹ tênh. 

Chăm con khó hơn chăm cháu là câu cửa miệng của nhiều ông bà. Đó không hẳn là cái khó của việc một người lớn tuổi phải tất tả chạy theo đứa cháu đang tuổi chập chững biết đi, tinh nghịch khám phá thế giới. Nó càng khó hơn bởi những khác biệt thế hệ, về cách nuôi dạy con cái. Có không ít bất hòa, đặc biệt trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, xuất phát từ đó. Trong không ít trường hợp, con cái hoàn toàn phụ thuộc, phó mặc việc chăm sóc cháu cho ông bà và luôn đặt họ vào thế đã rồi. Ông bà vì yêu thương con cháu nên chấp nhận sống xa nhau. Người ở quê - người lên phố, nhiều khi thời gian tính bằng năm với vài lần “về phép” ngắn ngủi rồi lại tất tả. 

Yêu thương cũng đồng nghĩa là sự thấu hiểu và sẻ chia. Đừng biến tình yêu thương đó trở thành gánh nặng, trách nhiệm đặt lên vai cha mẹ mình. Nếu “một mẹ già bằng ba người ở” là đúng, thì câu nói “con chăm cha không bằng bà chăm ông” càng đúng hơn. Tước đi thời gian ba mẹ mình không được ở bên nhau khi tuổi xế chiều cũng là đang lấy đi hạnh phúc của họ. 

Với cha mẹ mình, khi đã sang dốc bên kia cuộc đời càng quý giá hơn. Nhưng thử hỏi, có mấy người dám và được sống cho chính mình? Ai đang trên hành trình nuôi dạy con cái, nghĩa là cũng đang bước đi trên đoạn đường cha mẹ chúng ta từng trải qua. Chăm sóc con cái là nghĩa vụ và niềm vui của cha mẹ. Đừng để việc ông bà không thể phụ giúp chăm sóc cháu trở thành nỗi canh cánh trong lòng họ. Hãy làm cho họ yên tâm mình luôn sống tốt, tự lập. Đó có lẽ là sự báo hiếu ý nghĩa nhất.

Chuyện bà chăm cháu đương nhiên đã quá quen thuộc. Có những gia đình bà nội - bà ngoại còn phân chia lịch vào chăm sóc cháu, ít nhất cho đến khi đi mẫu giáo. Nhưng, cũng có cả trường hợp các ông phải tạm rời quê ra phố phụ con chăm cháu. Không hiểu sao, nhìn ông cần mẫn chăm cháu lại càng thấy thương hơn.

Tin cùng chuyên mục