Trong một bài báo mới xuất hiện trên tạp chí Nature Communications, các nhà nghiên cứu cho biết đã phát triển một dòng vi khuẩn mang tên Escherichia coli (E. coli) chuyên biệt tìm đến các khối u ung thư sau khi tiêm vào cơ thể người bệnh.
Mục tiêu của công nghệ này là tận dụng khả năng của các loại thuốc chống ung thư đã được đính vào vi khuẩn để thâm nhập vào khối u, đồng thời sử dụng sóng siêu âm để kích hoạt chúng giải phóng các loại thuốc bên trong khối u.
Để làm nóng vi khuẩn nằm ở nơi khối u đang phát triển, nhóm nghiên cứu đã sử dụng sóng siêu âm hội tụ (FUS). FUS tương tự như siêu âm hình ảnh các cơ quan nội tạng hoặc thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ, nhưng cường độ cao hơn và được tập trung vào một điểm, khiến mô ở vị trí đó nóng lên. Bằng cách kiểm soát cường độ của sóng siêu âm, các nhà nghiên cứu có thể tăng nhiệt độ của mô đó lên một mức độ cụ thể.
Thông qua một loạt thử nghiệm, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chuột được điều trị bằng dòng vi khuẩn này và siêu âm có sự phát triển khối u chậm hơn nhiều so với những con chuột không được điều trị hoặc chỉ được điều trị bằng siêu âm hay chỉ được điều trị bằng vi khuẩn.